Bên cạnh lương, phụ cấp cũng là một trong những nguồn thu nhập của cán bộ, công chức. Một trong số các khoản phụ cấp khá quan trọng là phụ cấp công vụ. Vậy đây là phụ cấp gì? Dành cho đối tượng nào?
Phụ cấp công vụ là gì? Ai được hưởng?
Hiện nay, không có định nghĩa cụ thể về phụ cấp công vụ. Tuy nhiên, quy định về phụ cấp công vụ được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 34/2012/NĐ-CP.
Theo đó, các đối tượng được hưởng phụ cấp này gồm:
- Cán bộ, công chức đã được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng, Nhà nước… nhưng không bao gồm công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.
- Cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn.
- Người làm việc theo hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính Nhà nước tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Tuy nhiên, không bao gồm người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập.
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân và viên chức quốc phòng cùng lao động thuộc Quân đội.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn, công nhân, nhân viên công an và lao động thuộc Công an.
- Người làm công tác cơ yếu.
Như vậy, có thể thấy, công chức là đối tượng được hưởng phụ cấp công vụ. Tuy nhiên, công chức làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thì không thuộc đối tượng được hưởng loại phụ cấp này.
Công chức nào không được hưởng phụ cấp công vụ? (Ảnh minh họa)
Công chức hưởng phụ cấp công vụ bao nhiêu?
Cũng tại Nghị định 34/2012/NĐ-CP, mức hưởng phụ cấp công vụ được quy định là:
25% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm.
Trong đó:
- Mức lương hiện hưởng = Hệ số x Mức lương cơ sở
Hệ số lương tùy vào từng đối tượng công chức khác nhau sẽ được áp dụng một hệ số lương khác nhau. Ví dụ, công chức nhóm 1, A3.1 có hệ số lương dao động từ 6.2 - 8.0; công chức loại A0 có hệ số lương dao động từ 2.1 - 4,89…
Mức lương cơ sở năm 2021 hiện nay đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng.
- Phụ cấp chức vụ lãnh đạo: Là phụ cấp áp dụng cho các chức danh lãnh đạo do được bầu cử hoặc bổ nhiệm trong cơ quan Nhà nước…, ban hành kèm Nghị định 204/2004/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
- Phụ cấp thâm niên vượt khung: Theo khoản 1 Điều III Thông tư 04/2005/TT-BNV, phụ cấp thâm niên vượt khung = 5% mức lương của bậc lương cuối cùng. Sau đó, từ năm thứ tư trở đi, mỗi năm nếu đủ tiêu chuẩn thì được hưởng thêm 1% nữa.
- Phụ cấp quân hàm: Theo Điều 3 Thông tư 79/2019/TT-BQP, phụ cấp quân hàm = Lương cơ sở x hệ số phụ cấp quân hàm hiện hưởng. Trong đó, hệ số này được quy định chi tiết tại Thông tư 79 nêu trên.
Như vậy, mức phụ cấp công vụ chiếm khá nhiều % so với mức lương cơ sở, tỷ lệ này lên đến 25%.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, từ ngày 01/7/2022 - thời điểm cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ cấp công vụ sẽ bị bãi bỏ.
Theo lý giải của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ cấp này đã được đưa vào trong mức lương cơ bản nên sẽ bị bãi bỏ trong danh sách các loại phụ cấp của công chức áp dụng từ sau ngày 01/7/2022 - thời điểm cải cách tiền lương.
Ngoài ra, cũng tại Nghị quyết này, một số loại phụ cấp khác cũng bị bãi bỏ như phụ cấp thâm niên nghề trừ quân đội, công an, cơ yếu; phụ cấp chức vụ lãnh đạo do sẽ được thực hiện xếp lương chức vụ; phụ cấp độc hại, nguy hiểm do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề…
Như vậy, có thể thấy, loại phụ cấp này mặc dù chiếm số % khá lớn nhưng trong thời gian sắp tới sẽ bị bãi bỏ mà thay vào đó sẽ được đưa vào mức lương cơ bản của công chức.
Xem thêm: Khác biệt cách tính lương công chức hiện nay và từ 01/7/2022
Trên đây là giải thích về phụ cấp công vụ cùng mức hưởng, điều kiện hưởng cũng như các đối tượng được hưởng loại phụ cấp này. Nếu còn thắc mắc các vấn đề khác liên quan đến công chức, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
>> Những khoản phụ cấp của công chức được tính theo lương cơ sở