Có lẽ đây là ba khái niệm khá quen thuộc trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiện vẫn có rất nhiều người nghĩ ba khái niệm này là một. Vậy nhà giáo, giáo viên, giảng viên là ai? Tiêu chí phân biệt giáo viên, giảng viên là gì?
Nhà giáo, giáo viên, giảng viên có phải là một?
Trước đây theo khoản 1 Điều 70 Luật Giáo dục năm 2005 (đã hết hiệu lực từ ngày 01/7/2020), nhà giáo được định nghĩa là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác.
Tuy nhiên, tại Luật Giáo dục năm 2019 (thay thế Luật Giáo dục 2005) đã không còn định nghĩa nhà giáo là gì mà chỉ quy định vị trí, vai trò của nhà giáo là làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục trừ Viện Hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Luật Khoa học và Công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.
Đồng thời, tại hai Luật này cũng đều không có định nghĩa cụ thể về giáo viên và giảng viên. Theo đó, hai đối tượng giáo viên, giảng viên chỉ được quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Giáo dục năm 2019 như sau:
Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên.
Có thể thấy, nhà giáo là cách gọi chung của giáo viên và giảng viên, chỉ chung người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường. Còn giáo viên là người giảng dạy mầm non, tiểu học, cấp hai, cấp ba, trình độ sơ cấp và trung cấp; giảng viên là người giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên.
Như vậy, chúng ta có thể dựa vào việc giảng dạy trình độ đào tạo để phân biệt giáo viên, giảng viên còn nhà giáo là khái niệm bao quát cả giáo viên, giảng viên. Và các khái niệm này không phải là một.
Hiểu nhà giáo, giáo viên, giảng viên thế nào cho đúng chuẩn? (Ảnh minh họa)
Các tiêu chí phân biệt giáo viên giảng viên
Như phân tích ở trên, mặc dù nhà giáo, giáo viên, giảng viên cùng là người giảng dạy ở các cơ sở đào tạo nhưng đây là các đối tượng khác nhau. Trong đó, nhà giáo là cách gọi chung của giáo viên và giảng viên.
Do đó, dưới đây là các tiêu chí cụ thể dùng để phân biệt giáo viên và giảng viên:
Tiêu chí | Giáo viên | Giảng viên |
Trình độ giảng dạy | Mầm non, giáo dục phổ thông, sơ cấp, trung cấp | Từ cao đẳng trở lên |
Thời gian làm việc | 42 tuần. Tùy vào từng cấp học để phân rõ thời gian cụ thể của mỗi nhiệm vụ | 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính) |
Nhiệm vụ trong năm học | - Giảng dạy - Học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ - Chuẩn bị năm học mới - Tổng kết năm học | - Giảng dạy - Nghiên cứu khoa học - Phục vụ cộng đồng - Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác |
Định mức tiết dạy | Số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần: - Tiểu học: 23 tiết - Cấp hai: 19 tiết - Cấp ba: 17 tiết | Được tính trong một năm học từ 200 - 350 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 600 - 1.050 giờ hành chính) |
Chế độ nghỉ hè | 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có) | Không quy định cụ thể mà chỉ yêu cầu thời gian làm việc của giảng viên là 44 tuần tương đương 1.760 giờ hành chính |
Trên đây là các quy định để phân biệt nhà giáo, giáo viên, giảng viên. Nếu còn thắc mắc, bạn đọc có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
>> Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực trong tháng 10/2021