Nhà giáo và những thăng trầm năm Covid...

Có lẽ dòng tiêu đề này đang khiến bạn ngạc nhiên. Nhưng không, bạn vẫn đang ở trên trang website LuatVietnam.vn, và đây là bài viết về những chính sách ảnh hưởng đến nhà giáo trong năm vừa qua - một năm đầy thăng trầm của những người làm nghề cầm phấn do dịch Covid-19.

Nhà giáo và những thăng trầm năm Covid...

Năm nay là năm thứ 2 việc học trực tuyến được áp dụng, vì thế, hẳn là các thầy cô cũng không còn xa lại với hình thức dạy học này. Vẫn là những học trò ấy, vẫn là những bài giảng ấy, nhưng là trước màn hình máy tính.

Vào tháng 04 năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một Thông tư hướng dẫn về việc dạy và học trực tuyến, cho thấy sự thừa nhận của ngành giáo dục về một phương thức đào tạo mới trong bối cảnh dịch bệnh vẫn luôn có những diễn biến khó lường. 

Nhà giáo và những thăng trầm năm Covid...

Với giáo viên, việc xác định chế độ làm việc như thế nào, quy đổi giờ dạy ra sao khi dạy trực tuyến cũng là một vấn đề không hề đơn giản.

Đến cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Công văn 4945 trong đó lưu ý các nhà trường căn cứ vào tình hình thực tế về việc tổ chức dạy học để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định số tiết dạy của giáo viên (trong đó có cả các tiết quy đổi).

Vậy là việc quy đổi tiết dạy trực tuyến đã được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, so với việc quy đổi “sòng phẳng” của Công văn, thực tế khi dạy học trực tuyến, giáo viên còn cần nhiều hơn thế, bao gồm cả thời gian, sự tận tâm và cả sự nổ lực. Bởi ngoài thời gian giảng dạy, giáo viên còn thúc giục học sinh vào lớp học, đợi học sinh ổn định, tham gia tập huấn, họp online…

Nhà giáo và những thăng trầm năm Covid...

Tháng 2 năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chùm 4 Thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông.

Chùm 04 Thông tư này đã gây ra không ít “xốn xang” đối với hầu hết giáo viên ở các cấp học, bởi theo các văn bản mới, việc xếp hạng thay đổi, hệ số lương thay đổi và mức lương vì thế cũng khác đi.

Từ 20/3/2021, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở đều được tăng lương do hệ số lương được điều chỉnh. Trong đó, giáo viên trung học cơ sở được tăng lương nhiều nhất.

Nhà giáo và những thăng trầm năm Covid...

Chỉ riêng giáo viên trung học phổ thông, có lẽ sẽ ngậm ngùi hơn, do hệ số lương không thay đổi và mức lương về cơ bản vẫn được giữ nguyên như trước đó.

Không chỉ là câu chuyện về tiền lương, chùm Thông tư này còn đặt yêu cầu về việc đi học lấy chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp khiến không ít giáo viên băn khoăn, lo lắng.

Cụ thể, ngoài giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.05) được bổ nhiệm vào hạng III mã số V.07.02.26, giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) được bổ nhiệm vào hạng III mã số V.07.03.29 nếu đáp ứng trình độ theo yêu cầu, thì tất cả giáo viên được tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 đều phải được đi học để có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III.

Nhà giáo và những thăng trầm năm Covid...

Ngày 20/3/2021 có lẽ sẽ là một ngày được nhiều giáo viên nhớ đến và nhắc tới. Không chỉ bởi thay đổi về việc xếp hạng, hệ số lương… còn bởi cũng từ ngày này, giáo viên chính thức gạt đi những áp lực mang tên “chứng chỉ ngoại ngữ”, “chứng chỉ tin học”

Tại quy định về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên các cấp, bốn Thông tư 01, 02, 03 và 04 đã không còn đề cập đến “chứng chỉ ngoại ngữ”, “chứng chỉ tin học”, chỉ yêu cầu giáo viên có khả năng sử dụng ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ.

Như vậy, năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học của giáo viên chính thức không còn được đo lường bởi những tấm chứng chỉ “vô hồn” mà giáo viên phải miệt mài đi học để có được.

Nhà giáo và những thăng trầm năm Covid...

Giáo viên từ nay đã có thể thở phào vì không còn phải tốn thời gian, tốn công sức và tốn tiền để có được tấm chứng chỉ nhằm hoàn thiện hồ sơ.

Thế nhưng, điều quan trọng nhất là, dù đã bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhưng năng lực thật của giáo viên về ngoại ngữ, tin học vẫn cần được đặc biệt coi trọng. Năng lực này cần phải được học tập, rèn luyện, trau dồi qua năm tháng, không phải chỉ trong một thời gian ngắn để có được tấm chứng chỉ là “xong” như trước đây.

Nhà giáo và những thăng trầm năm Covid...

Trong ngành giáo dục, nếu nói đối tượng nào chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 thì có lẽ đó chính là những giáo viên đang giảng dạy tại các trường dân lập, đặc biệt là giáo viên mầm non dân lập, tư thục.

Dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã khiến cho các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục phải tạm dừng hoạt động hoặc không “trụ” được phải đóng cửa vĩnh viễn. Đồng nghĩa, giáo viên bị ngừng việc, nghỉ không lương hoặc là bị chấm dứt hợp đồng lao động, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề, cuộc sống gặp không ít khó khăn.

Trong các gói hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Chính phủ tung ra thời gian vừa qua, giáo viên của các trường dân lập, tư thục không bị “bỏ sót”.

Nhà giáo và những thăng trầm năm Covid...

Điển hình như gói hỗ trợ 28.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68, giáo viên ngừng việc, nghỉ việc không lương, tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm xã hội và đáp ứng các điều kiện khác của Nghị định đều được hỗ trợ.

Tương tự, giáo viên trường dân lập, tư thục đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm 30/9/2021 hoặc đã dừng tham gia từ 01/01/2020 đến hết 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu cũng được nhận hỗ trợ theo gói 38.000 tỷ đồng của Nghị quyết 116.

Những gói hỗ trợ của Chính phủ dù chỉ có mức nhận là một vài triệu đồng, nhưng cũng là nguồn động viên to lớn đối với những giáo viên có cuộc sống đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Trên đây, LuatVietnam đã điểm lại những chính sách ảnh hưởng nhất đến giáo viên trong năm 2021 - một năm nhiều thăng trầm do đại dịch. Hy vọng rằng, bức tranh của ngành giáo dục năm tới sẽ có nhiều thay đổi, những chính sách mới được ban hành sẽ đem lại nhiều niềm vui và động lực cho những người đứng trên bực giảng.

>> Chính sách mới về giáo dục năm 2021

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.