Tổng hợp 5 khoản phụ cấp dành cho giáo viên mới nhất 2023

Ngoài lương thì phụ cấp luôn là một trong những điều mà giáo viên quan tâm. Sau đây, LuatVietnam tổng hợp 05 khoản phụ cấp dành cho giáo viên mới nhất 2023.


1. Phụ cấp ưu đãi theo nghề của giáo viên

Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan Nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thì được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề giành cho giáo viên.

Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề này được thể hiện cụ thể tại Thông tư liên tịch số 01 theo công thức tính như sau:

Mức phụ cấp ưu đãi = Mức lương cơ sở x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.

Trong đó:

- Lương cơ sở trong năm 2023 được áp dụng với hai mức độ:

  • Từ nay đến hết 30/6/2023: Lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP được áp dụng từ ngày 01/7/2019 đến hết 30/6/2023.
  • Từ 01/7/2023 đến khi có quy định mới: Ngày 11/11/2022, Quốc hội đã thông qua mức lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng/tháng - tăng thêm 310.000 đồng/tháng so với thời điểm trước đó để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức sau thời gian khá lâu các đối tượng này không được tăng lương vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

- Tỷ lệ phụ cấp ưu đãi được quy định tại Quyết định 244/2005/QĐ-TTg như sau:

Tỷ lệ

Đối tượng hưởng

25%

- Trực tiếp giảng dạy tại trường đại học, cao đẳng, học viện, trường bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Trừ giảng dạy trong trường sư phạm, khoa sư phạm và dạy môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.

30%

- Tại trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã;

- Tại trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề;

- Tại trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

35%

- Tại trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã;

- Tại trường THCS, THPT, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

40%

Tại trường sư phạm, khoa sư phạm trực thuộc các trường đại học, cao đẳng, trung học, trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo và dạy môn chính trị trong trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề.

45%

Dạy khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong trường đại học, cao đẳng.

50%

Tại trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

2. Phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân

Loại phụ cấp này áp dụng với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp đặc thù được quy định tại Điều 1 Nghị định 113/2015/NĐ-CP.

Trong đó, phụ cấp này tính theo số giờ dạy tích hợp, thực hành thực tế với mức tỷ lệ là 10% 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và được trả cùng kỳ lương hàng tháng, không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, công thức tính phụ cấp đặc thù như sau:

Mức phụ cấp đặc thù = 10% [mức lương hiện hưởng + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)]

Bởi vì lương cơ sở tăng nên kéo theo đó, trong năm 2023, mức lương hiện hưởng cùng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung của giáo viên dạy tích hợp, thực hành cũng tăng theo hai giai đoạn là từ nay đến hết 30/6/2023 và từ 01/7/2023 trở đi.

Do đó, trong năm 2023, giáo viên này cũng được hưởng phụ cấp đặc thù theo hai giai đoạn với mức tăng lương tương ứng với mức lương hiện hưởng.

phu cap danh cho giao vien

3. Phụ cấp cho giáo viên dạy người khuyết tật

Căn cứ vào Nghị định 113/2015/NĐ-CP và Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH, giáo viên dạy học cho người khuyết tật sẽ được hưởng 02 loại phụ cấp là phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp ưu đãi công việc. Cụ thể mức hưởng trong năm 2023 sẽ như sau:

3.1 Phụ cấp trách nhiệm

STT

Đối tượng

Hệ số

Mức phụ cấp

Đến 30/6/2023

Từ 01/7/2023

1

Dạy người khuyết tật trong lớp học dành riêng cho người khuyết tật

0,3

447.000

540.000

2

Dạy người khuyết tật trong lớp hòa nhập

0,2

298.000

360.000

3.2 Phụ cấp ưu đãi

STT

Đối tượng

Mức hưởng

I

Dạy người khuyết tật trong lớp học dành riêng cho người khuyết tật

1

Giáo viên chuyên trách

70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

2

Giáo viên không chuyên trách

40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

II

Dạy người khuyết tật trong lớp hòa nhập

1

Nhà giáo không chuyên trách

tính theo số giờ giảng dạy người khuyết tật thực tế

Lưu ý: Những khoản phụ cấp này được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính, đóng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

4. Phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn

Khi giáo viên giảng dạy, công tác ở huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1, các xã đặc biệt khó khăn như xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số, miền núi, xã đảo, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp… thì được hưởng chính sách cho người công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Theo đó, Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định, các đối tượng này sẽ được hưởng một số phụ cấp như: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên…

4.1 Phụ cấp thu hút

Giáo viên sẽ được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% tiền lương tháng hiện hưởng theo công thức:

Phụ cấp thu hút = 70% (mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên, nếu có)

Tuy nhiên, mức hưởng này tương ứng với thời gian thực tế làm việc không quá 60 tháng (05 năm).

4.2 Phụ cấp công tác lâu năm

Giáo viên được hưởng phụ cấp công tác lâu năm theo quy định tại Điều 5 Nghị định 76/2019/NĐ-CP với công thức sau:

Mức phụ cấp công tác lâu năm = Lương cơ sở x Mức phụ cấp được hưởng

Trong đó:

Lương cơ sở: Như phân tích ở trên, lương cơ sở áp dụng trong năm 2023 sẽ là hai mức: 1,49 triệu đồng/tháng áp dụng đến hết 30/6/2023 và 1,8 triệu đồng/tháng áp dụng từ ngày 01/7/2023 trở đi.

- Hệ số phụ cấp được quy định cụ thể như sau:

  • Làm từ đủ 05 - dưới 10 năm: Hưởng hệ số 0,5
  • Làm từ đủ 10 - dưới 15 năm: Hưởng hệ số 0,7
  • Làm từ đủ 15 năm trở lên: Hưởng hệ số 1,0

Do đó, mức phụ cấp công tác lâu năm của giáo viên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn như sau:

Đơn vị: đồng/tháng

Thời gian công tác

Hệ số

Mức phụ cấp

Đến 30/6/2023

Từ 01/7/2023

Đủ 05 - dưới 10 năm

0,5

745.000

900.000

Đủ 10 - dưới 15 năm

0,7

1.043.000

1.260.000

Đủ 15 năm trở lên

1,0

1.490.000

1.800.000

4.3 Trợ cấp lần đầu và chuyển vùng

Tại thời điểm nhận công tác tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, giáo viên sẽ được trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở. Do đó, trong năm 2023, giáo viên sẽ được nhận:

- Giáo viên nhận công tác trước 01/7/2023: Nhận trợ cấp lần đầu 14,9 triệu đồng.

- Giáo viên nhận công tác sau 01/7/2023: Nhận trợ cấp lần đầu 18,0 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu giáo viên có gia đình cùng đi theo đến nơi công tác ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thì còn được trợ cấp:

- Tiền tàu xe, cước hành lý theo giá vé, giá cước thực tế hoặc theo mức khoán.

- Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình (17.880.000 đồng nếu đến trước 01/7/2023 hoặc 21.600.000 đồng nếu nhận công tác sau 01/7/2023).

Lưu ý: Khoản trợ cấp này chỉ nhận 01 lần trong tổng thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

4.4 Phụ cấp lưu động

Nếu đang chuyên trách làm công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục, thường xuyên đi đến các thôn ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn thì giáo viên còn được hưởng phụ cấp lưu động với hệ số 0,2 so với lương cơ sở.

Trong năm 2023, phụ cấp lưu động của giáo viên vùng đặc biệt khó khăn như sau:

- Hết 30/6/2023: 298.000 đồng/tháng.

- Từ 01/7/2023: 360.000 đồng/tháng.

4.5 Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số

Ngoài các khoản phụ cấp nêu trên, giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn có dạy tiếng dân tộc thiểu số thì được hưởng phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số với mức 50% lương hiện hưởng + phụ cấ chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Để xem chi tiết các khoản phụ cấp khác của giáo viên vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, xem bài viết: Toàn bộ chế độ với công chức, viên chức vùng đặc biệt khó khăn

phu cap danh cho giao vien

5. Phụ cấp thâm niên dành cho giáo viên

Phụ cấp thâm niên của giáo viên được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 77/2021/NĐ-CP như sau:

Mức tiền phụ cấp thâm niên = (Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng) x Mức lương cơ sở x Mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng.

Trong đó:

- Mức lương cơ sở trong năm 2023 gồm 02 mức: Đến hết 30/6/2023 là 1,49 triệu đồng/tháng; từ 01/7/2023 trở đi là 1,8 triệu đồng/tháng.

- Hệ số phụ cấp thâm niên: Thấp nhất là 5% khi có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 05 năm; từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm khi đủ 12 tháng sẽ được tính thêm 1%.

Lưu ý: Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên là thời gian giảng dạy có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời gian đi nghĩa vụ quân sự mà trước đó đang được hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Riêng thời gian tập sự; nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên; nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời gian; đi học, thực tập, công tác; bị đình chỉ, bị tạm giữ, tạm giam… sẽ không được tính để hưởng phụ cấp thâm niên.

Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Các khoản phụ cấp dành cho giáo viên. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục