Mức phạt với công chức, viên chức tự ý bỏ việc

Trong các doanh nghiệp, người lao động tự ý nghỉ làm có thể phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất là sa thải. Với trường hợp công chức, viên chức tự ý nghỉ làm, bỏ việc thì mức phạt có gì khác?

Công chức tự ý bỏ việc bị xử lý thế nào?

Các hình thức xử lý kỷ luật đối với đối tượng là công chức hiện đang được áp dụng theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP.

Theo đó, mức kỷ luật trong trường hợp công chức tự ý nghỉ làm, bỏ việc như sau:

- Bị khiển trách: Nếu tự ý nghỉ việc mà tổng số ngày nghỉ từ 03 đến dưới 05 ngày làm việc trong một tháng.

- Bị cảnh cáo: Nếu tự ý nghỉ việc mà tổng số ngày nghỉ từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc trong một tháng.

- Bị buộc thôi việc: Nếu tự ý nghỉ việc mà tổng số ngày nghỉ từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp.

Hiện nay, bị buộc thôi việc cũng là mức kỷ luật cao nhất đối với công chức. Mức xử lý này cũng được áp dụng đối với công chức bị phạt tù mà không được hưởng án treo; nghiện ma túy; sử dụng bằng giả để được tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước.

Mức phạt với công chức, viên chức tự ý nghỉ làm năm 2019

Công chức tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng có thể bị kỷ luật (Ảnh minh họa)

Mức kỷ luật với viên chức tự ý bỏ việc

Tương tự như đối tượng công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự ý bỏ việc, nghỉ làm cũng sẽ bị kỷ luật với các mức khác nhau theo quy định của Nghị định 27/2012/NĐ-CP.

- Bị khiển trách: Nếu tự ý nghỉ việc mà tổng số ngày nghỉ từ 03 đến dưới 05 ngày làm việc trong một tháng được tính trong tháng dương lịch; hoặc từ 03 đến dưới ngày làm việc liên tiếp mà không có lý do chính đáng.

- Bị cảnh cáo: Nếu tự ý nghỉ việc mà tổng số ngày nghỉ từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc trong một tháng được tính trong tháng dương lịch hoặc từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc liên tiếp mà không có lý do chính đáng.

- Bị buộc thôi việc: Nếu tự ý nghỉ việc mà tổng số ngày nghỉ từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch, năm dương lịch.

Đối chiếu các quy định nêu trên có thể thấy, nếu tự ý nghỉ làm từ 03 ngày trở lên/tháng, công chức và viên chức đều sẽ bị xử lý kỷ luật.

Nếu tự ý nghỉ dưới 03 ngày/tháng, công chức và viên chức có thể không bị xử lý kỷ luật nhưng có thể bị ảnh hưởng đến đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm của công chức, viên chức.

Xem thêm:

Quy định nào về việc công chức sinh con thứ 3?

Cán bộ, công chức ngoại tình bị xử lý như thế nào? 

Lan Vũ

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục