1. Vì sao nói bảng lương mới của giáo viên từ 01/7/2024 không xếp theo hạng?
Theo thông tin trước đó, từ ngày 01/7/2024, cả nước sẽ thực hiện thống nhất cải cách tiền lương. Do đó, cơ cấu tiền lương cũng như mức lương được hưởng của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và giáo viên nói riêng sẽ có nhiều thay đổi đáng kể.
Tuy nhiên, tại báo Điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ sẽ tiếp tục tăng lương cơ sở và chưa cải cách tiền lương từ 01/7/2024.
Trong khi đó, thông tin bảng lương mới của giáo viên từ 01/7/2024 không xếp theo hạng được đưa ra trước đây bởi hai nguyên nhân dưới đây:
Khi cải cách tiền lương
Theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, cải cách tiền lương đồng nghĩa với bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương. Do đó, công thức tính lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ thay đổi.
Không còn tính lương theo công thức lương = hệ số x mức lương cơ sở. Thay vào đó, sẽ tính lương theo 05 bảng lương mới 2024 bằng các con số cụ thể gắn với vị trí việc làm và năng suất, năng lực của từng đối tượng.
Do đó, nguyên nhân trước đây được đưa ra về việc bảng lương mới của giáo viên từ 01/7/2024 có thể sẽ không còn hạng bởi khi thay đổi cách tính lương và xếp lương theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ không còn đề cập đến hạng.
Theo Nghị quyết 27, bảng lương mới của giáo viên sẽ được xây dựng theo nguyên tắc:
- Bảng lương mới theo chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung cho các đối tượng giáo viên không giữ chức danh lãnh đạo.
- Mỗi chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ có nhiều bậc lương, cùng mức độ phức tạp công việc thì xếp lương như nhau; ai có điều kiện lao động cao hơn và ưu đãi nghề thì xếp lương theo chế độ phụ cấp nghề.
- Bổ nhiệm lương viên chức gắn với vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức.
Như vậy, theo tinh thần này, không thấy đề cập đến hạng chức danh nghề nghiệp nhưng lương mới của giáo viên vẫn có bậc lương và thay vì mỗi bậc sẽ có một hệ số khác nhau thì giáo viên được hưởng số tiền cụ thể cho các bậc tương ứng.
Trong khi đó, hiện nay, căn cứ vào các hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên được xếp lương như sau: Giáo viên mầm non có ba hạng là hạng I, hạng II và hạng III. Từng hạng sẽ được xếp tương ứng với viên chức loại A, B hoặc C.
Ví dụ: Giáo viên mầm non hạng I được hưởng lương viên chức loại A2, nhóm A2.2 có hệ số từ 4,0 đến 6,38 tương đương là 7,2 triệu đồng/tháng - 11,48 triệu đồng/tháng…
Khi thông qua dự thảo Luật Nhà giáo
Theo khoản 3 Điều 12 dự thảo Luật Nhà giáo, chức danh nhà giáo để làm căn cứ thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo được phân loại như sau:
a) Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp;
b) Trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp (bao gồm cả giáo sư, phó giáo sư).
Như vậy, theo dự thảo, giáo viên sẽ không được chia thành các hạng chức danh nghề nghiệp mà được phân loại theo như trên, bao gồm cả giáo viên là giáo sư, phó giáo sư.
Do đó, khi dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, sẽ có sự thay đổi trong việc phân loại nhà giáo trong đó có giáo viên là viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập.
Kéo theo đó, việc xếp lương của các đối tượng này cũng sẽ không căn cứ vào hạng viên chức như hiện nay.
2. Liệu bảng lương mới của giáo viên có còn xếp lương theo hạng?
Do có hai nguyên nhân ở trên nên nhiều người dự đoán lương giáo viên từ 01/7/2024 sẽ không còn được xếp theo hạng. Tuy nhiên, chiều ngày 20/6/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã cho biết, từ 01/7/2024 chưa cải cách tiền lương.
Thay vào đó, từ 01/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức nói chung và giáo viên nói riêng dự kiến sẽ được tăng lương lên 2,34 triệu đồng/tháng.
Do đó, việc xếp lương của giáo viên vẫn giữ nguyên như hiện nay. Đồng nghĩa, giáo viên vẫn được xếp lương theo hạng chức danh nghề nghiệp.
Còn nguyên nhân tại dự thảo Luật Nhà giáo thì về bản chất, dự thảo vẫn chưa là văn bản chính thức được ban hành và áp dụng. Do đó, trong thời gian tới, nếu thông qua thì dự thảo này phải sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan phù hợp với quy định hiện hành.
Hoặc có thể, thời điểm thông qua và có hiệu lực của dự thảo này sẽ sau khi nước ta thực hiện cải cách tiền lương trong tương lai tới.
>> Để xem bảng lương giáo viên từ 01/7/2024 khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng, hãy truy cập vào link ở trên.
3. Hạng giáo viên là gì? Giáo viên gồm những hạng nào?
Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, hạng giáo viên được định nghĩa như sau: Hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên là thuật ngữ chỉ cấp độ thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập.
Với giáo viên, căn cứ chùm 04 Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên được chia thành các hạng như sau:
Giáo viên cấp học | Hạng giáo viên | Căn cứ |
Mầm non | Hạng I mã số V.07.02.24; Hạng II là mã số V.07.02.25; Hạng III là mã số V.07.02.26. | Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT |
Tiểu học | Hạng III là mã số V.07.03.29; Hạng II là mã số V.07.03.28; Hạng I là mã số V.07.03.27. | Điều 2 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT |
Trung học cơ sở | Hạng III là mã số V.07.04.32; Hạng II là mã số V.07.04.31; Hạng I là mã số V.07.04.30. | Điều 2 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT |
Trung học phổ thông | Hạng III là mã số V.07.05.15; Hạng II là mã số V.07.05.14; Hạng I là mã số V.07.05.13. | Điều 2 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT |
Trên đây là thông tin giải đáp vấn đề: Bảng lương mới của giáo viên từ 01/7/2024 còn xếp theo hạng không?