Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã chính thức chốt mức lương cơ sở năm 2021 sẽ không tăng mà vẫn giữ nguyên 1,49 triệu đồng/tháng. Điều này ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức…
1. Cán bộ, công chức, viên chức: Không được tăng lương, phụ cấp
Dự kiến, năm 2021, chế độ tiền lương mới với cán bộ, công chức, viên chức sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, dưới tác động của Covid-19, chế độ này đã phải giãn lùi đến tháng 7/2022. Do đó, năm 2021 vẫn áp dụng cách tính lương của cán bộ, công chức, viên chức như Nghị định 204/2004/NĐ-CP: Lương cơ sở x Hệ số lương.
Khi không tăng lương cơ sở năm 2021, thì đương nhiên, cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ không được tăng lương.
Bên cạnh đó, các khoản phụ cấp (phụ cấp khu vực, phụ cấp lưu động...) được tính theo lương cơ sở của cán bộ công chức cũng sẽ không tăng trong năm 2021.
Cán bộ, công chức - đối tượng chịu tác động mạnh nhất của việc lương cơ sở 2021 không tăng
2. Người nghỉ hưu: Không được tăng lương hưu
Mức lương hưu của những người hưởng lương hưu từ ngân sách Nhà nước cũng được điều chỉnh theo mức lương cơ sở. Nếu mức lương cơ sở 2021 không tăng thì mức lương hưu năm 2021 cũng giữ nguyên.
Trước đó, dự kiến mức lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng thì mức lương hưu cũng được điều chỉnh tăng 7,38%.
3. Đảng viên: Không được tăng mức tiền thưởng
Hiện nay, nhiều mức khen thưởng đối với Đảng viên được tính theo mức lương cơ sở nhân với hệ số (quy định tại Hướng dẫn 56-HD/VPTW).
Cụ thể như:
- Được Đảng bộ cơ sở, chi bộ khen thưởng: Mức khen thưởng 447.000 đồng (hệ số 0,3)
- Được Ban Thường vụ huyện uỷ và tương đương khen thưởng: Mức khen thưởng 1,490 đồng (hệ số 1,0)
- Được Ban Thường vụ tỉnh ủy và tương đương khen thưởng: Mức khen thưởng 2,235 triệu đồng (hệ số 1,5).
- Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng: Mức khen thưởng 2,235 triệu đồng (hệ số 1,5)…
Năm 2021, mức lương cơ sở vẫn là 1,49 triệu đồng/tháng thì mức khen thưởng của Đảng viên vẫn được giữ nguyên như trên.
4. Người lao động: Không được tăng nhiều khoản trợ cấp BHXH
Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, một số khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội của người lao động đang được áp dụng theo mức lương cơ sở. Do đó, nếu mức lương cơ sở 2021 không tăng thì các khoản trợ cấp này cũng sẽ không tăng.
Điển hình như:
- Trợ cấp một lần khi sinh con: 2,78 triệu đồng (02 lần lương cơ sở);
- Trợ cấp dưỡng sức sau sinh; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau: 447.000 đồng/ngày (30% mức lương cơ sở).
- Trợ cấp tuất hàng tháng: 745.000 đồng/tháng đối với thân nhân (50% mức lương cơ sở)…
- Trợ cấp mai táng: 14,9 triệu đồng (10 lần mức lương cơ sở)…
5. Người tham gia BHYT hộ gia đình: Giữ nguyên mức đóng
Điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146 năm 2018 của Chính phủ quy định mức đóng BHYT hộ gia đình của các thành viên theo mức lương cơ sở. Cụ thể, năm 2021 nếu mức lương cơ sở vẫn là 1,49 triệu đồng/tháng thì mức đóng BHYT hộ gia đình vẫn giữ nguyên như sau:
- Người thứ nhất: 67.050 đồng/tháng (4,5% mức lương cơ sở)
- Người thứ hai: 46.935 đồng/tháng (70% mức của người thứ nhất)
- Người thứ ba: 40.230 đồng/tháng (60% mức của người thứ nhất)
- Người thứ tư: 33.525 đồng/tháng (50% mức của người thứ nhất)
- Từ người thứ 5 trở đi: 26.820 đồng/tháng (40% mức đóng của người thứ nhất).
Tóm lại, việc không tăng lương cơ sở năm 2021 tác động đến rất nhiều đối tượng. Trong đó, hầu hết đều không vui với dự kiến này, chỉ trừ trường hợp người gia BHYT hộ gia đình không bị bất lợi do vẫn được giữ nguyên mức đóng.
Nếu có vướng mắc về các vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương, bạn đọc có thể liên hệ: 1900.6192 để được giải đáp.
>> Chính sách tiền lương năm 2021: Nhiều thay đổi do Covid-19
Lan Vũ