Chú ý: 8 quy định mới về viên chức năm 2021

Viên chức là đối tượng được điều chỉnh bởi Luật Viên chức. Vậy, viên chức cần lưu ý những quy định mới nào?


1/ Vẫn áp dụng mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng

Dự kiến mỗi năm, mức lương cơ sở đều được điều chỉnh tăng. Đặc biệt, trước đó, dự kiến lương cơ sở năm 2021 cũng được tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng theo Nghị quyết 86/2019/QH14.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta nên tại Nghị quyết số 122/2020/QH14, Quốc hội đã chính thức thông qua đề nghị chưa tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng như dự kiến trước đó.

Đồng nghĩa, mức lương cơ sở vẫn là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 49/2019/NĐ-CP. Đặc biệt, gần đây, Ban Chấp hành thậm chí còn đồng ý lùi thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới của viên chức đến thời điểm thích hợp.

Do đó, dự kiến, mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng sẽ vẫn được tiếp tục áp dụng đến ngày thực hiện cải cách tiền lương.


2/ Chỉ hưởng chính sách tinh giản biên chế đến hết 2021?

Điều 24 Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế quy định:

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2015. Các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này được áp dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021

Theo đó, các chính sách tinh giản biên chế của viên chức như Về hưu trước tuổi, Chuyển sang làm việc tại tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước… được áp dụng đến hết ngày 31/12/2021.

Tuy nhiên, theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP thì quy định này đã được sửa đổi. Theo đó, chính sách cho viên chức bị tinh giản biên chế được kéo dài áp dụng đến hết 31/12/2030.

Xem thêm: Toàn bộ chế độ cho cán bộ, công chức bị tinh giản biên chế

Luật viên chức

Luật Viên chức: 8 cập nhật mới nhất về viên chức (Ảnh minh hoạ)


3/ Viên chức sắp được bỏ nhiều chứng chỉ bồi dưỡng

Hiện nay, viên chức cũng như công chức đang có 03 loại chứng chỉ là:

- Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý trước khi bổ nhiệm;

- Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp gồm chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ…

- Chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm.

Tuy nhiên, những nội dung của một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm, có nhiều nội dung trùng lặp.

Do đó, từ ngày 20/3/2021, nhiều đối tượng viên chức cụ thể là giáo viên đã được bãi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chùng 04 Thông tư số 01, 02, 03 và 04 năm 2021.

Đồng thời, tại Công văn số 2499/BNV-CCVC, Bộ Nội vụ cũng đề xuất bỏ hàng loạt chứng chỉ bồi dưỡng với viên chức như:

- Bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học với 155 chức danh nghề nghiệp viên chức.

- Giảm 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức…

Xem thêm: Dự kiến bãi bỏ 13 chứng chỉ đối với giáo viên, giảng viên

4/ Đơn vị sự nghiệp chuyển đổi, viên chức sẽ thế nào?

Theo quy định tại Nghị định số 150/2020/NĐ-CP, khi đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thành công ty cổ phần, viên chức làm việc tại đây cũng được Chính phủ quy định các chính sách sau:

- Được mua cổ phần của công ty cổ phần sau khi được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập với mức tối đa là 100 cổ phần cho mỗi năm làm việc thực tế tại đây với giá bán bằng 60% giá trị của một cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

- Tiếp tục được hưởng các quyền lợi khác về bảo hiểm, chế độ hưu trí và các chế độ khác nếu đủ điều kiện hưởng.

- Viên chức dôi dư cũng được hưởng chính sách tinh giản biên chế…

Xem thêm: "Số phận" viên chức sau khi đơn vị sự nghiệp công chuyển đổi

5/ Viên chức được nâng lương thế nào?

Chế độ nâng lương của viên chức được quy định cụ thể tại Thông tưu 08 năm 2013, sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2021 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2021 tới đây.

Theo đó, ngoài các quy định về nâng lương như hiện nay đang áp dụng, viên chức sắp tới còn được hưởng chế độ nâng lương với những điểm mới sau đây:

- Thêm trường hợp được tính xét nâng lương thường xuyên là thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự.

- Bổ sung bốn khoảng thời gian không tính xét nâng bậc lương gồm thời gian tập sự, thời gian đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ, thời gian thử thách nếu bị phạt tù nhưng được hưởng án treo, thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu…

Xem thêm: 6 điểm mới về nâng lương cán bộ, công chức, viên chức

Luật viên chức
Luật Viên chức: Nhiều chính sách lớn sẽ thay đổi (Ảnh minh hoạ)


6/ Quy định mới về tuổi nghỉ hưu của viên chức

Bộ luật Lao động năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 có nhiều quy định mới về tuổi nghỉ hưu của viên chức.

Cụ thể, theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của viên chức năm 2021 được quy định như sau:

- Trường hợp làm việc trong điều kiện lao động bình thường: Nữ nghỉ hưu khi 55 tuổi 4 tháng, nam là 60 tuổi 3 tháng;

- Nghỉ hưu sớm tối đa 5 tuổi: Nữ nghỉ hưu khi 50 tuổi 4 tháng và nam nghỉ hưu khi 55 tuổi 3 tháng.

- Về hưu sớm tối đa 10 tuổi: Nữ về hưu khi 45 tuổi 4 tháng, nam về hưu khi 50 tuổi 3 tháng.

- Trường hợp bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp: Được nghỉ hưu không phụ thuộc vào điều kiện về tuổi.

Xem thêm: Bảng tra cứu tuổi nghỉ hưu dành cho mọi người lao động

7/ Thay đổi về phụ cấp thâm niên vượt khung của viên chức

Phụ cấp thâm niên vượt khung của viên chức hiện vẫn thực hiện theo Thông tư 04/2005/TT-BNV với điều kiện:

- Đã xếp bậc lương cuối cùng trong chức danh nghề nghiệp;

- Có đủ điều kiện về thời gian giữ bậc lương cuối cùng trong chức danh nghề nghiệp (viên chức từ A0 - A3 là 03 năm, viên chức loại B và C là 02 năm).

- Có đủ 02 tiêu chuẩn: Hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm; Không bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc không bị bãi nhiệm trong thời gian giữ chức vụ bầu cử.

Xem thêm…

Tuy nhiên, từ ngày 15/8/2021, các trường hợp bị kéo dài thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung gồm:

- Kéo dài 12 tháng: Viên chức bị kỷ luật cách chức.

- Kéo dài 06 tháng: Viên chức bị kỷ luật cảnh cáo; bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm...

- Kéo dài 03 tháng: Viên chức bị kỷ luật khiển trách…

Trong khi đó, theo quy định cũ, hai trường hợp viên chức bị kéo dài thời gian hưởng phụ cấp tham niên vượt khung gồm:

- Đủ điều kiện về thời gian nhưng không đạt tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung: Cứ mỗi năm không đạt tiêu chuẩn sẽ bị kéo dài thêm 01 năm (đủ 12 tháng) so với quy định.

- Đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nhưng từ ngày tính hưởng phụ cấp này lần sau không đạt tiêu chuẩn: Thời gian tính hưởng thêm 1% phụ cấp này bị kéo dài thêm 01 năm (đủ 12 tháng).

Như vậy, việc hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung của viên chức cũng như với các đối tượng cán bộ, công chức, người lao động từ 15/8/2021 đã được quy định cụ thể hơn, phân chia theo nhiều trường hợp, thuận tiện cho việc áp dụng vào thực tiễn.

Xem thêm…


8/ Viên chức không được giảm mức đóng BHXH bắt buộc

Hiện nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 nhằm hỗ trợ phần nào những khó khăn của người dân lao động trong cả nước.

Theo đó, một trong các chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong vòng 12 tháng từ ngày 01/7/2021 - 30/6/2022 cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trong đó, theo Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và Nghị định số 58/2020/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc của người lao động bao gồm mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất (14%); quỹ ốm đau, thai sản (3%), quỹ tai nạn nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp (0,5%), bảo hiểm thất nghiệp (1%) và BHYT (3%).

Điều này, đồng nghĩa, mức đóng BHXH bắt buộc của các đối tượng được hỗ trợ cũng giảm 0,5% so với mức đóng bình thường.

Xem thêm: Mức đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT từ 01/7/2021

Tuy nhiên, cũng tại Nghị quyết 68 này, việc giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Do đó, viên chức không thuộc đối tượng được giảm mức đóng BHXH bắt buộc trong năm 2021 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trên đây là phân tích về 8 quy định mới về viên chức năm 2021. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Điểm mới của Luật sửa đổi Luật Viên chức

>> Viên chức là gì? Viên chức được phân loại thế nào?

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục