Lâu nay, tư tưởng thuận lợi nghỉ hưu là đã “hạ cánh an toàn” còn khá phổ biến trong xã hội. Tuy nhiên, liệu có thật sự như vậy không? Đã nghỉ hưu, liệu cán bộ, công chức có còn bị kỷ luật nữa không?
Khi nào cán bộ, công chức được nghỉ hưu?
Điều 31 và Điều 60 Luật Cán bộ, công chức mới nhất quy định cán bộ, công chức được nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. Theo đó, cán bộ, công chức bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Ngoài ra, cán bộ, công chức còn có thể được nghỉ hưu trước tuổi hay còn gọi là nghỉ hưu “non” và nghỉ hưu quá tuổi.
Nghỉ hưu trước tuổi
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung năm 2018, nếu công chức thuộc diện tinh giản biên chế thì sẽ được nghỉ hưu trước tuổi.
Ngoài ra, với những đối tượng công chức không thuộc diện tinh giản biên chế thì phải đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:
- Suy giảm khả năng lao động từ 61% - 80% và đáp ứng điều kiện về tuổi: Nếu nghỉ năm 2019 thì nam đủ 54 tuổi, nữ đủ 49 tuổi, nếu nghỉ sau năm 2020 trở đi thì nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi;
- Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi…
Nghỉ hưu quá tuổi
Các trường hợp nghỉ hưu quá tuổi được nêu chi tiết tại Điều 2 Nghị định 53/2015/NĐ-CP như:
- Những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Sĩ quan trong lực lượng vũ trang có quân hàm cấp tướng…
Trong đó, thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 05 năm. Đồng nghĩa với việc, chỉ cán bộ công chức không quá 65 tuổi với nam và không quá 60 tuổi với nữ thì mới được nghỉ hưu quá tuổi.
Liệu có xử lý kỷ luật cán bộ công chức đã nghỉ hưu không? (Ảnh minh họa)
Đã nghỉ hưu, cán bộ công chức vẫn bị kỷ luật?
Cán bộ, công chức sẽ bị xem xét kỷ luật nếu vi phạm những điều cấm nêu tại Luật Cán bộ, công chức mới nhất hiện nay. Vậy nếu đã về hưu thì có thực hiện xử lý nữa không?Đối với cán bộ, công chức là Đảng viên
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quy định số 102-QĐ/TW, Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận. Nếu vi phạm ở mức phải thi hành kỷ luật thì phải kỷ luật theo quy định.
Theo đó, Đảng viên vi phạm phải chịu hình thức xử lý nào thì áp dụng hình thức đó, không được áp dụng hình thức nhẹ hơn.
Đặc biệt: Kỷ luật Đảng không thay thế các hình thức xử lý khác của pháp luật.
Đối với các trường hợp khác
Tại Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14, người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
Như vậy, dù cán bộ, công chức đã nghỉ hưu thì nếu có hành vi tham nhũng đều bị xử lý kỷ luật.
Dù Luật Cán bộ, công chức hiện nay chưa có quy định nào về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu nhưng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung luật này đã bổ sung thêm quy định này.
Theo đó, cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải chịu một trong các hình thức kỷ luật:
- Khiển trách;
- Cảnh cáo;
- Xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.
Có thể thấy, việc bổ sung quy định này là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Bởi thực tế, trong thời gian đang công tác có rất nhiều cán bộ, công chức có hành vi vi phạm nhưng chưa được phát hiện và xử lý.
Ngoài ra, việc bổ sung quy định này cũng nhằm thống nhất quy định về xử lý cán bộ, công chức đã nghỉ hưu với Luật Phòng, chống tham nhũng, Quy định xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm…
Như vậy, hiện nay, cán bộ, công chức vẫn có thể bị xử lý kỷ luật nếu đã về hưu. Sau này, nếu Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức được thông qua thì việc xử lý kỷ luật đối tượng này sẽ được quy định cụ thể và chi tiết hơn.
>> Các hình thức xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức
Nguyễn Hương