Chỉ có 1 trường hợp không phải sát hạch vào công chức cấp xã

Hiện nay, việc tuyển dụng công chức cấp xã được thực hiện thông qua hình thức thi tuyển. Ngoài ra, có một số trường hợp được đặc cách xét tuyển nhưng phải trải qua kiểm tra, sát hạch. Dù vậy, liệu có trường hợp nào không phải sát hạch không?


5 trường hợp tuyển dụng công chức cấp xã không qua thi tuyển

Theo quy định tại Nghị định số 112/2011/NĐ-CP của Chính phủ, công chức cấp xã được tuyển dụng thông qua thi tuyển trừ các trường hợp:

- Tuyển dụng công chức ở các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (điểm b khoản 1 Điều 7);

- Xét tuyển và bổ nhiệm với các chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và Trưởng Công an xã (khoản 2 Điều 7);

- Tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi trong nước và đạt loại khá trở lên ở nước ngoài, có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh cần tuyển, căn cứ vào bằng tốt nghiệp;

- Có trình độ từ đại học trở lên có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh cần tuyển, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và có ít nhất 05 năm công tác trong lĩnh vực cần tuyển dụng: Viên chức trong sự nghiệp công lập; Người hưởng lương trong quân đội, công an, làm công tác cơ yếu (Điều 6 Thông tư 13/2019/TT-BNV);

- Cán bộ cấp xã thôi đảm nhiệm chức vụ, không trong thời gian bị xem xét kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử và không trong thời hạn bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự;

Như vậy, theo quy định trên, có 05 trường hợp đặc biệt sẽ được tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức xã. Đáng chú ý rằng, những trường hợp này chỉ được tuyển dụng nếu đáp ứng các điều kiện của vị trí tuyển dụng và khi còn nhu cầu tuyển dụng.

Chỉ có 1 trường hợp không phải sát hạch vào công chức cấp xã (Ảnh minh họa)

Khi nào tuyển dụng công chức xã không phải sát hạch?

Theo khoản 4 Điều 6 Thông tư 13 nêu trên, khi tiếp nhận công chức cấp xã không qua thi tuyển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch.

Theo đó, Hội đồng này phải có từ 05 - 07 thành viên bao gồm:

- Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện;

- Ủy viên: Lãnh đạo phòng Nội vụ kiêm thư ký Hội đồng; Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã nơi dự kiến bố trí công chức sau khi tiếp nhận; đại diện một số bộ phận, chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan.

Hội đồng này có nhiệm vụ kiểm tra các điều kiện, tiêu chuẩn, văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh cần tuyển dụng; Sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn nghiệp vụ của người dự xét tuyển.

Trong đó, hình thức và nội dung sát hạch cụ thể sẽ căn cứ vào yêu cầu chức danh công chức cần tuyển để quyết định trước khi sát hạch. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng này là biểu quyết theo đa số. Đồng thời sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc biệt, tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 13 nêu rõ:

Khi tiếp nhận công chức cấp xã không qua thi tuyển, Chủ tịch UBND cấp huyện phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch, trừ trường hợp trước khi được bầu giữ chức vụ cán bộ cấp xã đã là công chức cấp xã.

Như vậy, theo quy định hiện nay, chỉ có duy nhất một trường hợp được tiếp nhận qua xét tuyển mà không cần phải lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch là cán bộ cấp xã mà trước khi được giữ chức vụ này đã là công chức cấp xã.

>> 6 quy định mới từ 25/12/2019 mọi cán bộ, công chức xã cần biết

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục