Kéo dài thời hiệu kỷ luật viên chức lên đến 5 năm
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 27/2012/NĐ-CP, viên chức sẽ bị kỷ luật nếu có hành vi vi phạm pháp luật trong các trường hợp:
- Thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc, gây bè phái, mất đoàn kết, tự ý bỏ việc, đình công, phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ…
- Các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập;
- Bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật;
- Vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội… mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay, về thời hiệu kỷ luật viên chức, Điều 53 Luật Viên chức năm 2010 quy định viên chức vi phạm những điều trên thì sẽ không bị xem xét kỷ luật nếu quá 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, khi Luật Viên chức sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020 thì quy định này đã bị sửa đổi, bổ sung theo hướng kéo dài thời hiệu kỷ luật viên chức. Cụ thể, thời hiệu kỷ luật viên chức được sửa bởi khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi:
- 02 năm với hành vi ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
- 05 năm với hành vi vi phạm không thuộc các trường hợp nêu trên.
Như vậy, sắp tới đây, thời hạn xem xét kỷ luật viên chức đã được kéo dài từ 24 tháng lên đến tối đa 05 năm. Đặc biệt, việc xem xét thời hiệu kỷ luật căn cứ vào mức độ vi phạm của viên chức.
Có thể thấy, quy định mới này sẽ tạo nên tính minh bạch, công bằng khi kỷ luật viên chức. Qua đó, cũng tránh hiện tượng cào bằng mức độ vi phạm như quy định hiện nay.
4 trường hợp không áp dụng thời hiệu kỷ luật viên chức (Ảnh minh họa)
Từ 01/7/2020, 4 trường hợp viên chức bị kỷ luật “bất cứ lúc nào”
Không chỉ kéo dài thời hiệu kỷ luật viên chức, Luật sửa đổi Luật Viên chức sắp tới còn bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng thời hiệu. Đồng nghĩa với đó là nếu viên chức vi phạm một trong 04 hành vi sau sẽ có thể bị kỷ luật “bất cứ lúc nào”:
- Viên chức là Đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ: Tự ý bỏ sinh hoạt Đảng; Gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng… (Quy định 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng);
- Vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ: Bảo vệ Điều lệ Đảng, Hiến pháp và pháp luật Nhà nước, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, Đảng viên…
- Xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
- Dùng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Như vậy, có thể thấy, từ 01/7/2020, việc kỷ luật viên chức đã được “siết chặt” hơn rất nhiều so với bây giờ. Không chỉ kéo dài thời hiệu kỷ luật đến 05 năm mà còn bổ sung thêm hành vi viên chức vi phạm sẽ bị “kỷ luật bất cứ lúc nào”.
>> Điểm mới của Luật sửa đổi Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức
Nguyễn Hương