Ngày 01/7/2024 là ngày cải cách tiền lương?
Do ảnh hưởng của dịch covid-19 từ năm 2019, nước ta đã có ba lần hoãn cải cách tiền lương. Cụ thể:
- Ngày 09/10/2020: Lùi cải cách đến ngày 01/7/2022 theo Nghị quyết số 23 năm 2021.
- Ngày 13/11/2021: Tiếp tục lùi cải cách đến thời điểm thích hợp theo nghị quyết số 34 năm 2021.
- Và gần nhất là ngày 11/10/2022: Hoãn cải cách và thay vào đó là tăng lương cơ sở theo Nghị định số 24 năm 2023.
Tuy nhiên, mới đây, tại diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024. Theo đó, nếu không có gì thay đổi, thời điểm cải cách tiền lương là từ 01/7/2024.
Và chính sách này đã được Quốc hội nêu tại Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.
5 khoản thu nhập của công chức sẽ không còn nữa từ 01/7/2024
Thông tin về thời điểm cải cách tiền lương mới được đưa ra tại diễn đàn mà chưa được ban hành tại bất kỳ văn bản nào.
Do đó, hiện nay, việc tính cơ cấu tiền lương công chức khi cải cách tiền lương vẫn dựa vào tinh thần của Nghị quyết số 27 năm 2018 của Bộ Chính trị.
Căn cứ Nghị quyết về cải cách tiền lương này của Bộ Chính trị, có thể thấy, từ 01/7/2024, công chức sẽ không còn các khoản thu nhập dưới đây:
Thứ nhất: Các khoản chi ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước gồm: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo...
Thứ hai: Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề trừ công an, quân đội, cơ yếu để đảm bảo tương quan tiền lương với cán bộ, công chức. Trong đó, phụ cấp thâm niên nghề của công chức đang được tính theo Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC.
Theo đó, mức phụ cấp thâm niên nghề của công chức bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung nếu công chức đó được hưởng.
Điều kiện để hưởng là khi công chức có thời gian làm việc đủ 05 năm. Từ năm thứ sáu trở đi, nếu công chức có đủ 12 tháng làm việc thì được tính thêm 1%.
Như vậy, dự kiến từ 01/7/2024 trở đi, công chức sẽ bị bãi bỏ khoản phụ cấp này. Đồng nghĩa, mỗi tháng sẽ không còn được thêm ít nhất 5% mức lương được nhận khi đã có 05 năm làm việc.
Thứ ba: Mở rộng việc khoán kinh phí gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Do đó, khi thực hiện được nhiệm vụ thì sẽ nhận được mức khoán lương phù hợp với kết quả đã làm được mà không cào bằng như trước đây.
Bên cạnh khoán quỹ lương thì chính sách cải cách tiền lương còn nghiên cứu quy định khoán các chế độ ngoài lương như tiền xe ô tô, điện thoại…
Thứ tư: Không gắn việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chính sách, chế độ không có tính chất lương với mức lương của cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ năm: Theo Nghị quyết 104, từ ngày 01/7/2024 - ngày thực hiện cải cách tiền lương, tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước sẽ bị bãi bỏ. Thay vào đó, sẽ áp dụng thống nhất chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập cho các đối tượng này.
Với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù như chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn... của cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước thi cũng không tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù hiện hành.
Lưu ý: Có một số ý kiến cho rằng việc sắp xếp lại chế độ phụ cấp cũng làm giảm đi thu nhập của công chức. Tuy nhiên, thu nhập của công chức chỉ bị bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề còn các loại phụ cấp còn lại thì:
- Hoặc đã được gộp với mấy loại phụ cấp khác để tạo thành loại phụ cấp mới như phụ cấp độc hại nguy hiểm đã được đưa vào điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề
- Hoặc đã đưa vào mức lương cơ bản như phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ.
Ngoài ra, khi cải cách tiền lương, cơ cấu tiền lương công chức gồm các khoản thu nhập theo tỷ lệ dưới đây:
- Lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương.
- Các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương.
- Bổ sung tiền thưởng chiếm 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Cán bộ, công chức, viên chức còn được xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm gồm:
- 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã
- 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương
- 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an
Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Các khoản thu nhập của công chức sẽ không còn từ 01/7/2024. Do đây mới chỉ là tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị nên nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được giải đáp thêm.