Khi nào bỏ phụ cấp thâm niên cho công chức, viên chức?
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 về cải cách tiền lương là khi nào bỏ phụ cấp thâm niên cho công chức, viên chức. Riêng quân đội, công an và cơ yếu thì vẫn được giữ lại loại phụ cấp này để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức.
Ngày 10/11/2023 vừa qua, đại biểu Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Theo đó, Nghị quyết này nêu rõ, sẽ cải cách tiền lương từ 01/7/2024.
Do đó, theo tinh thần của Nghị quyết 27, khi cải cách tiền lương sẽ chính thức bãi bỏ phụ cấp thâm niên cho công chức, viên chức. Đồng nghĩa, thời điểm chính thức bỏ phụ cấp thâm niên của công chức, viên chức là từ 01/7/2024 - khi thực hiện cải cách tổng thể cải cách tiền lương.
Hiện nay, phụ cấp thâm niên nghề đang được quy định tại khoản 8 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Đây được coi là một trong các khoản phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc của công chức, viên chức.
Có thể kể đến, các đối tượng hiện nay đang được hưởng phụ cấp thâm niên nghề gồm:
- Công chức: Công chức chuyên ngành hải quan, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm…
- Viên chức: Giáo viên, người làm việc trong ngành y tế…
- Quân đội, công an và cơ yếu.
Với các đối tượng chuyên ngành khác nhau thì sẽ có văn bản cụ thể quy định về phụ cấp thâm niên nghề tương ứng. Tuy nhiên, về tổng quan, công chức, viên chức phải có thời gian làm việc từ đủ 05 năm liên tục trở lên thì sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên nghề. Đặc biệt, thời gian này sẽ được cộng dồn.
Công chức còn được hưởng các khoản phụ cấp nào?
Bên cạnh việc sắp xếp lại chế độ phụ cấp thâm niên nghề (bãi bỏ của các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức trừ công an, quân đội và cơ yếu để đảm bảo tương quan tiền lương) thì các khoản phụ cấp khác cũng được gộp và giữ nguyên.
Theo đó, sau cải cách thì công chức sẽ còn 08 loại phụ cấp dưới đây:
- Phụ cấp kiêm nhiệm;
- Phụ cấp thâm niên vượt khung;
- Phụ cấp khu vực;
- Phụ cấp trách nhiệm công việc;
- Phụ cấp lưu động;
- Phụ cấp ưu đãi theo nghề;
- Phụ cấp công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, việc sắp xếp phụ cấp khi cải cách tiền lương được thực hiện như sau:
- Giữ nguyên các loại phụ cấp: Phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp lưu động, phụ cấp kiêm nhiệm…
- Bãi bỏ các khoản phụ cấp: Phụ cấp thâm niên theo nghề, phụ cấp chức vụ lãnh đạo…
- Gộp các loại phụ cấp: Ưu đãi nghề, trách nhiệm theo nghề và độc hại, nguy hiểm thành phụ cấp theo nghề; phụ cấp đặc biệt, thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thàn phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn…
Lý giải cho việc sắp xếp lại các khoản phụ cấp vì hiện nay có rất nhiều loại phụ cấp khác nhau được ban hành bằng các văn bản khác nhau nảy sinh nhiều bất hợp lý và bất cập trong việc thể hiện thứ bậc hành chính của hoạt động công vụ.
Đặc biệt: Dù sắp xếp phụ cấp thế nào thì các khoản phụ cấp của công chức cũng sẽ chiếm khoảng 30% trong tổng quỹ lương của công chức, viên chức.
Ngoài ra, cũng liên quan đến các khoản phụ cấp, theo tinh thần của Nghị quyết 27, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố sẽ được thực hiện nhất quán khoán quỹ phụ cấp hàng tháng trên tỉ lệ chi thường xuyên của Ủy ban nhân dân cấp xã theo hướng:
Một chức danh có thể đảm nhiệm nhiều công việc nhưng phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc được giao
Trên đây là quan điểm về vấn đề: Khi nào chính thức bỏ phụ cấp thâm niên cho công chức, viên chức? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.