Hồ sơ gốc của viên chức là gì? Gồm những giấy tờ nào?

Khi trúng tuyển, viên chức phải hoàn thiện và nộp hồ sơ tuyển dụng. Vậy khi nghỉ việc, viên chức đó có được trả lại hồ sơ gốc không?

Sau khi nhận được thông báo kết quả trúng tuyển vào viên chức, người trúng tuyển phải đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng để hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng trong thời hạn 30 ngày (Căn cứ khoản 1 Điều 17 Nghị định 115/2020/NĐ-CP).

Theo đó, hồ sơ tuyển dụng bao gồm:

- Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển, chứng nhận đối tượng ưu tiên (nếu có). Nếu có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học mà tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm thì được sử dụng thay thế.

- Phiếu lý lịch tư pháp.

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 07/2019/TT-BNV quy định về xây dựng hồ sơ, thành phần hồ sơ viên chức thì sau khi có quyết định tuyển dụng, đơn vị sử dụng viên chức hướng dẫn viên chức kê khai, kiểm tra, xác minh và đối chiếu thông tin.

Sau khi xác minh thì người đứng đầu sẽ xác nhận, đóng dấu và nộp cho cơ quan quản lý hồ sơ viên chức để đưa vào hồ sơ quản lý. Đây chính là hồ sơ gốc của viên chức.


Hồ sơ gốc của viên chức là gì? Gồm những giấy tờ nào? (Ảnh minh họa)


Cũng theo quy định này, hồ sơ gốc của viên chức bao gồm:

1/ Viên chức mới tuyển dụng

- Quyển Lý lịch viên chức (mẫu HS01-VC/BNV): Phản ánh toàn diện về bản thân, các mối quan hệ gia đình, xã hội của viên chức (do viên chức tự kê khai và được đơn vị sử dụng viên chức kiểm tra, xác minh và xác nhận).

- Sơ yếu lý lịch viên chức (mẫu HS02-VC/BNV): Tóm tắt thông tin về bản thân, mối quan hệ gia đình và xã hội của viên chức (do viên chức tự kê khai hoặc do ghi từ quyển "Lý lịch viên chức” và các tài liệu bổ sung khác, được đơn vị sử dụng viên chức kiểm tra, xác minh và xác nhận).

- Bản sao chứng thực giấy khai sinh.

- Phiếu lý lịch tư pháp.

- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên cấp còn giá trị sử dụng.

- Bảng điểm, văn bằng, chứng chỉ về trình độ đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng nghiệp vụ (bản sao chứng thực). Nếu do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp thì phải được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

- Quyết định tuyển dụng hoặc xét tuyển, tiếp nhận viên chức (bản sao chứng thực).

2/ Viên chức đang làm việc

- Các giấy tờ, tài liệu phải nộp khi viên chức mới được tuyển dụng.

- Phiếu bổ sung lý lịch viên chức (mẫu HS03-VC/BNV): Là tài liệu viên chức kê khai bổ sung theo định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý hồ sơ viên chức. Phiếu này phải được đơn vị sử dụng viên chức kiểm tra, xác minh và xác nhận.

- Quyết định về việc xét chuyển, bổ nhiệm, biệt phái, điều động, luân chuyển, thăng hạng, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật của viên chức (bản sao); Tài liệu liên quan đến bổ nhiệm nếu viên chức được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý.

- Bản tự kiểm điểm, tự nhận xét, đánh giá hàng năm của viên chức có xác nhận của đơn vị sử dụng viên chức; bản nhận xét, đánh giá, phân loại viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý viên chức (hàng năm, khi hết nhiệm kỳ, bầu cử hoặc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, khen thưởng, kỷ luật hoặc sau các đợt công tác, tổng kết học tập);

- Bản kê khai tài sản, bản kê khai tài sản bổ sung nếu viên chức bắt buộc kê khai tài sản.

- Đơn, thư kèm theo các văn bản thẩm tra, xác minh, biên bản, kết luận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến viên chức và gia đình viên chức được phản ánh trong đơn, thư.

- Văn bản khác có liên quan trực tiếp đến quá trình công tác và các quan hệ xã hội của viên chức.

Đặc biệt: Hồ sơ gốc của viên chức thuộc tài liệu lưu trữ lịch sử, thời hạn bảo quản vĩnh viễn.

Trên đây là giải đáp về vấn đề hồ sơ gốc của viên chức là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

>> Ai được gọi là viên chức theo quy định mới nhất?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục