Quy định mới về hình thức kỷ luật công chức từ 20/9/2020

Việc áp dụng các tiêu chí để xác định hình thức kỷ luật công chức từ khi Nghị định 112/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 20/9/2020 đã có sự thay đổi lớn so với quy định trước đây.


Công chức giữ chức vụ lãnh đạo không còn bị hạ bậc lương

Đây là một trong những thay đổi quan trọng, đồng bộ với các quy định tại Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019. Cụ thể, khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi 2019 quy định:

Hình thức giáng chức, cách chức chỉ áp dụng với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Do đó, để đồng bộ với quy định này, Điều 7 Nghị định 112 đã quy định các hình thức kỷ luật với công chức gồm:

- Với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc;

- Với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc.

Như vậy, từ 20/9/2020, quy định về các hình thức kỷ luật công chức đã được đồng bộ giữa Luật và Nghị định hướng dẫn.


Tiêu chí xác định hình thức kỷ luật công chức từ 20/9/2020 (Ảnh minh họa)


Thay đổi các tiêu chí để xem xét kỷ luật công chức

Trước đây, tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP, Chính phủ quy định chi tiết các hành vi vi phạm của từng hình thức kỷ luật như:

- Khiển trách: Có thái độ hách dịch, cửa quyền, không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng, tự ý nghỉ việc với tổng số ngày từ 03 ngày đến dưới 05 ngày/tháng…

- Cảnh cáo: Cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; sử dụng giấy tờ không hợp pháp để tham gia đào tạo, bồi dưỡng…

- Hạ bậc lương: Lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi; vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng, chống tham nhũng…

- Giáng chức: Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng…

- Cách chức: Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ; bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ…

- Buộc thôi việc: Bị phạt tù mà không được hưởng án treo; nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền…

Thì nay, Nghị định 112 đã thay đổi hoàn toàn cách xác định các hành vi vi phạm để áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng.

Cụ thể, nếu công chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của mình; những việc công chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.

Đồng thời, việc áp dụng hình thức kỷ luật nào cũng căn cứ vào mức độ của hành vi vi phạm. Cụ thể:

- Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng: Là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

- Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng: Là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong công chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

- Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng: Là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong công chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

- Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: Là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong công chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Theo đó, các hình thức kỷ luật công chức vi phạm tương ứng với các hành vi vi phạm sau đây:

STT

Hình thức kỷ luật

Hành vi vi phạm

1

Khiển trách

Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng:

- Vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của công chức; về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức; kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;

- Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước;

- Vi phạm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;

- Vi phạm quy định về quy chế tập trung dân chủ, quy định về tuyên truyền, phát ngôn, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ;

- Vi phạm quy định của pháp luật về: đầu tư, xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình thực thi công vụ;

- Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.

2

Cảnh cáo

- Đã bị khiển trách mà tái phạm;

- Có hành vi vi phạm đến mức bị khiển trách nhưng gây hậu quả nghiêm trọng;

- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng:

  • Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công;
  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.

3

Hạ bậc lương

- Vi phạm các hành vi bị cảnh cáo mà tái phạm;

- Có hành vi vi phạm lần đầu đến mức bị khiển trách nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4

Giáng chức

- Đã bị kỷ luật cảnh cáo mà tái phạm;

- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng:

  • Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công;
  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.

- Có hành vi vi phạm lần đầu đến mức bị khiển trách, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

5

Cách chức

- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức mà tái phạm;

- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng:

  • Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công;
  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.

- Có hành vi vi phạm lần đầu đến mức bị khiển trách, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị buộc thôi việc, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

- Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ.

6

Buộc thôi việc

- Đã bị xử lý kỷ luật cách chức (công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) hoặc hạ bậc lương (công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) mà tái phạm;

- Có hành vi vi phạm lần đầu đến mức bị khiển trách nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Nghiện ma túy (có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền);

- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng:

  • Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công;
  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.

Trên đây là quy định mới về hình thức kỷ luật công chức từ 20/9/2020 mà mỗi công chức nên nắm rõ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Ngoài ra, một số nội dung đáng chú ý liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 20/9/2020 gồm:

>> 7 điểm mới về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức từ 20/9/2020

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục