Hiệu trưởng được cho phép giáo viên nghỉ mấy ngày?

Sau đây, LuatVietnam sẽ giải đáp về vấn đề: Chế độ nghỉ phép của giáo viên được quy định như thế nào? và giáo viên được phép mấy ngày?

Hiệu trưởng được cho giáo viên nghỉ mấy ngày?

Căn cứ các Điều lệ trường ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, hiệu trưởng trường là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường.

Cụ thể, hiệu trưởng phải thực hiện một số nhiệm vụ đối với giáo viên như:

- Tuyển dụng, quản lý giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động, tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên;

- Phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật…

Trong đó, việc quản lý và thực hiện các chế độ, chính sách với giáo viên bao gồm cả chế độ nghỉ phép. Vì vậy, hiệu trưởng có quyền xét duyệt cho giáo viên nghỉ phép, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về chế độ nghỉ phép.

Đối với các trường hợp không có quy định về số ngày nghỉ phép tối đa, hiệu trưởng có thể quyết định số ngày nghỉ phép của giáo viên dựa trên lý do nghỉ và điều kiện, tình hình của nhà trường.
hieu truong duoc cho giao vien nghi may ngayHiệu trưởng được cho giáo viên nghỉ mấy ngày? (Ảnh minh họa)

Chế độ nghỉ phép của giáo viên


Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên

Khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, sửa đổi bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định:

3. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).

b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.

Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.

Trong đó, theo Điều 112 Bộ Luật lao động 2019 quy định, các ngày nghỉ lễ, tết bao gồm: Tết Dương lịch; ngày Chiến thắng giải phóng miền Nam; ngày Quốc tế lao động 01/5; Quốc khánh 02/9; ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Như vậy, giáo viên cũng được nghỉ các ngày lễ, tết tương tự như đối với cán bộ, công chức, người lao động khác. Tuy nhiên, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên còn có thêm nghỉ học kỳ và 02 tháng nghỉ hè (bao gồm cả ngày nghỉ hằng năm).

Các trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương

Theo Điều 115 Bộ luật Lao động, giáo viên được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo trước trong trường hợp:

- Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

Bên cạnh đó, giáo viên được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

Ngoài ra, giáo viên có thể xin nghỉ không hưởng lương trong các trường hợp khác với lý do chính đáng.

Trên đây là quy định về: Hiệu trưởng được cho giáo viên nghỉ mấy ngày? Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Giáo viên cần biết: 4 quy định về trực hè, trực tết.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục