Giáo viên mầm non có được mở lớp trông trẻ tại nhà không?

Hiện nay, ngoài các trường mẫu giáo, nhà trẻ với quy mô lớn, Nhà nước còn cho phép mở các lớp trông trẻ tại nhà với quy mô nhỏ để chăm sóc, nuôi dạy trẻ mẫu giáo. Vậy giáo viên mầm non có được mở lớp trông trẻ tại nhà không?

Giáo viên mầm non được mở lớp trông trẻ tại nhà

Căn cứ Điều 1 Thông tư 13/2018/TT-BGDĐT, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục hay còn gọi là lớp trông trẻ tại nhà là cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, số trẻ em trong nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không quá 70 trẻ.

Cơ cấu, tổ chức, lớp trông trẻ  bao gồm: chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; tổ trưởng chuyên môn; giáo viên, nhân viên và các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.

Theo Điều 15 Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT, chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là người đứng tên xin phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Đồng thời, phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như sau:

- Cá nhân đứng tên xin phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Phẩm chất, đạo đức tốt;

- Sức khỏe tốt;

- Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo quy định.

Theo quy định trên, chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện trên thì có thể xin phép thành lập lớp trông trẻ tại nhà. Điều này cũng có nghĩa là, giáo viên mầm non có thể được mở lớp trông trẻ tại nhà.

Giáo viên mầm non có được mở lớp trông trẻ tại nhà không? (Ảnh minh họa)

Giáo viên mở lớp trông trẻ tại nhà có nhiệm vụ gì?

Chủ lớp trông trẻ tại nhà là người có trách nhiệm cao nhất trong việc quản lý, tổ chức hoạt động của lớp trông trẻ tại nhà. Vì vậy, theo điểm a khoản 3 Điều 15 Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT, nếu là chủ lớp trông trẻ tại nhà, giáo viên phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và phòng giáo dục và đào tạo về hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục do mình quản lý;

- Chỉ đạo, điều hành hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục;

- Đảm bảo an toàn cho trẻ em, giáo viên và nhân viên trong nhóm, lớp;

- Đầu tư và quản lý cơ sở vật chất thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ của nhóm, lớp theo quy định;

- Có trách nhiệm trả tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các chi phí khác cho giáo viên, nhân viên;

- Có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện chế độ nghỉ hè, nghỉ lễ cho giáo viên, nhân viên theo quy định của nhà nước;

- Công khai các nguồn thu, thực hiện thu chi tài chính theo quy định hiện hành.

Như vậy, khi mở lớp trông trẻ tại nhà, giáo viên bắt buộc phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ trên.

Quyền hạn của giáo viên mở lớp trông trẻ tại nhà

Điểm b khoản 3 Điều 15 Thông tư 13 năm 2015 quy định, chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có các quyền hạn sau:

- Được ký hợp đồng lao động với giáo viên, nhân viên theo quy định;

- Giám sát giáo viên trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ;

- Được làm giáo viên giảng dạy nếu đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định;

- Được phép thỏa thuận mức học phí với phụ huynh;

- Được tham gia các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý.

Đây những quyền hạn cơ bản của giáo viên là chủ lớp trông trẻ tại nhà. Nhờ đó, việc quản lý, tổ chức hoạt động của lớp trông trẻ tại nhà sẽ được thực hiện một cách hiệu quả hơn.

Nếu còn thắc mắc nào khác, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, tư vấn.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục