Từ 01/7/2020, mọi giáo viên phải có bằng đại học trở lên?
Hiện nay, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên đang được quy định chi tiết tại Điều 77 Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009. Tuy nhiên, tại Luật Giáo dục 2019 thay thế Luật năm 2005 có một nội dung nổi bật về chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên các cấp.
Cụ thể:
STT | Giáo viên | Luật Giáo dục 2005, sửa đổi 2009 | Luật Giáo dục 2019 |
1 | Giáo viên mầm non | Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm | Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm |
2 | Giáo viên tiểu học | Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm | Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên |
3 | Giáo viên trung học cơ sở | Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; | Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên |
4 | Giáo viên trung học phổ thông | Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm | Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên |
5 | Nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học | - Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên - Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm | Có bằng thạc sĩ |
6 | Nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ | Có bằng thạc sĩ trở lên | Có bằng tiến sĩ |
7 | Nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn tiến sĩ | Có bằng tiến sĩ | Có bằng tiến sĩ |
Như vậy, có thể thấy, từ 01/7/2020 Chính phủ đã yêu cầu cao hơn về trình độ của giáo viên các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu của việc giảng dạy của từng cấp học.
Ngoài ra, tại điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019, trong trường hợp môn học chưa có đủ giáo viên đạt điều kiện này thì có thể chỉ cần có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Do đó, vì giáo viên mầm non chỉ yêu cầu có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm nên không bắt buộc mọi giáo viên phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên từ 01/7/2020.
Giáo viên không đạt chuẩn trình độ sẽ bị tinh giản biên chế? (Ảnh minh họa)
Không đạt chuẩn trình độ, giáo viên sẽ bị tinh giản biên chế?
Việc tinh giản biên chế được hiểu là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể bố trí, sắp xếp công tác khác.
Theo đó, từ 01/7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực thì những giáo viên các cấp phải đáp ứng điều kiện chuẩn về trình độ đào tạo nêu trên.
Đối với những người chưa đạt chuẩn, khoản 2 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019 cũng nêu rõ:
Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở...
Do đó, giáo viên chưa đạt chuẩn sẽ được nâng trình độ theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, theo Điều 6 Nghị định 108 được sửa đổi, bổ sung năm 2018, khi chưa đạt chuẩn trình độ có thể bị tinh giản biên chế nếu thuộc một trong 02 trường hợp sau:
- Không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí; Không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ;
- Được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Như vậy, chưa đạt chuẩn trình độ, theo lộ trình của Chính phủ, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có thể được đào tạo để nâng trình độ hoặc nếu thuộc một trong hai trường hợp nêu trên thì có thể sẽ bị tinh giản biên chế.
>> 4 điểm mới của Luật Giáo dục 2019 liên quan đến mọi giáo viên
Nguyễn Hương