Thu nhập tăng thêm là gì?
Theo quy định tại Điều 12 Luật Viên chức năm 2010, viên chức được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý về kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, viên chức còn được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí, tiền thưởng, được xét nâng lương… theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện nay, vấn đề thu nhập tăng thêm của giáo viên được quy định chi tiết tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, thu nhập tăng thêm của giáo viên được chi từ Quỹ bổ sung thu nhập từ phần chênh lệch thu lớn hơn chi hằng năm sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước khác (nếu có).
Nguyên tắc thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác. Đặc biệt, hệ số thu nhập tăng thêm của chức danh lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập tối đa không quá 02 lần hệ số bình quân của người lao động trong đơn vị.
Như vậy, có thể thấy, tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên sẽ được sử dụng để trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và hằng năm căn cứ vào chất lượng công việc để xác định việc chi thu nhập tăng thêm của đơn vị.
Sắp tới tại nhiều tỉnh, giáo viên được hưởng thu nhập tăng thêm? (Ảnh minh họa)
Giáo viên nhiều tỉnh được hưởng thu nhập tăng thêm?
Hiện việc chi thu nhập tăng thêm của giáo viên được thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND. Theo đó, thu nhập tăng thêm của giáo viên được trả dựa vào hiệu quả công việc, kết quả đánh giá hiệu quả công việc hàng quý, hàng năm của từng giáo viên và đặc biệt không được cào bằng.
Cũng tại Nghị quyết 03 này, TP. Hồ Chí Minh quy định mức chi trả thu nhập tăng thêm của giáo viên theo lộ trình:
- Năm 2018: Hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ;
- Năm 2019: Hệ số tối đa này tăng lên 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ;
- Từ năm 2020: Hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ (Theo Nghị quyết 17/2019/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND nêu trên).
Có thể thấy, hiện nay, mới chỉ có TP. Hồ Chí Minh thực hiện việc chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên. Tuy nhiên, theo quy định về cải cách tiền lương nêu tại Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập được quy định như sau:
Mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của viên chức
Như vậy, có thể thấy, ngoài TP. Hồ Chí Minh như hiện nay, sắp tới đây, giáo viên tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng sẽ được hưởng khoản thu nhập tăng thêm này.
Để theo dõi chi tiết về các chính sách cải cách tiền lương từ 2021 theo tinh thần của Nghị định 27, quý độc giả có thể theo dõi thêm tại đây:
>> Toàn bộ điểm mới của Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương