Giáo viên có được hưởng các khoản phụ cấp khi nghỉ hè không?

Hằng năm, giáo viên sẽ có khoảng thời gian nghỉ hè không phải đến trường giảng dạy. Vậy giáo viên có được hưởng phụ cấp khi nghỉ hè không?

Giáo viên được hưởng nguyên lương và phụ cấp khi nghỉ hè

Với giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục phổ thông, khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định:

Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).

Như vậy, trong thời gian nghỉ hè, mức lương của giáo viên sẽ không bị ảnh hưởng do vẫn được hưởng nguyên lương và phụ cấp.

Ngoài ra, căn cứ Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP, thời điểm nghỉ hè của giáo viên trên địa bàn sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định dựa trên kế hoạch thời gian năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và điều kiện cụ thể của địa phương.

giao vien co duoc huong phu cap khi nghi he khongGiáo viên có được hưởng phụ cấp khi nghỉ hè không? (Ảnh minh họa)

Giáo viên được hưởng các loại phụ cấp nào?

Phụ cấp ưu đãi nghề

Theo Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC, nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan Nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động có thể được hưởng phụ cấp ưu đãi.

Cách tính phụ cấp ưu đãi của giáo viên được quy định tại khoản 2 Mục II Thông tư liên tịch 01, cụ thể:

Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)]  x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.

Tùy theo nơi làm việc, giáo viên có thể được hưởng phụ cấp ưu đãi theo một trong các tỷ lệ là 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50%.

 Phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân

Theo Điều 4 Nghị định 113/2015/NĐ-CP, nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp đặc thù.

Trong đó, tại Điều 5 Nghị định 113 quy định, các đối tượng trên sẽ được hưởng phụ cấp đặc thù mức 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Phụ cấp này được tính theo số giờ dạy tích hợp, dạy thực hành thực tế. Đồng thời, sẽ được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (theo Điều 6 Nghị định 113).

Phụ cấp cho giáo viên dạy người khuyết tật

Căn cứ vào Nghị định 113 năm 2015 và Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH, giáo viên dạy học cho người khuyết tật sẽ được hưởng 02 loại phụ cấp là phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp ưu đãi công việc.

Trong đó, các loại phụ cấp này sẽ được quy định riêng với giáo viên dạy lớp dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp hòa nhập cộng đồng.

Xem thêm: Giáo viên dạy học sinh khuyết tật được hưởng chế độ gì?

 Phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn

Căn cứ Nghị định 76/2019/NĐ-CP, giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng các loại phụ cấp là: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục.

Theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 76, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên bao gồm:

- Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1;

- Các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

- Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp, ... đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Phụ cấp thâm niên (được hưởng đến 01/7/2022)

Giáo viên sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 3 Nghị định 54/2011/NĐ-CP như sau:

Nhà giáo đủ 05 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.

Tuy nhiên, theo Công văn 8982 ngày 27/7/2020, giáo viên sẽ chỉ được hưởng phụ cấp thâm niên đến 01/7/2022, sau đó sẽ không còn chế độ phụ cấp thâm niên nữa.

Trên đây là quy định về giáo viên có được hưởng phụ cấp khi nghỉ hè không? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.