Hiện nay, tình hình tham nhũng diễn ra rất nghiêm trọng, phức tạp. Một trong số đó phải kể đến việc cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn dùng xe công vào mục đích cá nhân. Khi đó, cán bộ, công chức sẽ bị xử lý thế nào?
Anh Lê Bá N. (Hà Nội) gửi đến câu hỏi: “Dạo gần đây xuất hiện khá nhiều vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn dùng xe công vào mục đích cá nhân như: Đi lễ chùa, đi đám cưới, đưa đón người nhà đi thi… Vậy cho tôi hỏi, với những hành vi đó, cán bộ, công chức vi phạm sẽ bị xử lý thế nào?”
Dùng xe công đi đám cưới cán bộ có thể bị buộc thôi việc? (Ảnh minh họa)
LuatVietnam xin trả lời câu hỏi của anh như sau:
Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Trong đó, các hành vi tham nhũng gồm: Tham ô; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi…
Theo đó, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn dùng xe công vào mục đích cá nhân như đi lễ chùa, đám cưới, đưa đón người nhà đi thi… là một trong những biểu hiện của tham nhũng. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà cán bộ, công chức vi phạm có thể bị:
Xử lý kỷ luật
Căn cứ vào Nghị định 34/2011/NĐ-CP, cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng sẽ bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức:
- Khiển trách nếu có vi phạm;
- Cảnh cáo, hạ bậc lương nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng;
- Giáng chức, cách chức nếu vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng;
- Buộc thôi việc nếu hành vi ở mức đặc biệt nghiêm trọng.
Không chỉ vậy, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu để xảy ra việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì tùy vào mức độ có thể cũng bị xử lý kỷ luật căn cứ vào Điều 77 Nghị định 59/2019/NĐ-CP với các hình thức:
- Khiển trách nếu để xảy ra vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng;
- Cảnh cáo nếu để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng;
- Cách chức nếu để xảy ra vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng.
Xử phạt vi phạm hành chính
Không chỉ bị xử lý kỷ luật, việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn dùng xe công cho mục đích cá nhân còn bị xử phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ vào khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP, nếu cán bộ, công chức giao, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân thì sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Trên đây là thông tin về việc cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình sử dụng xe ô tô công vào mục đích cá nhân. Khi đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng và bị xử lý kỷ luật với mức cao nhất là buộc thôi việc.
>> Toàn văn điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018
Nguyễn Hương