Điều kiện mới nhất để được thi viên chức
Căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập để tuyển dụng viên chức. Hiện nay, việc tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
Trong đó, để được thi tuyển viên chức bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 22 Luật Viên chức năm 2010. Cụ thể như sau:
- Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
- Từ đủ 18 tuổi trở lên. Riêng các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự thi có thể thấp hơn 18 nhưng bắt buộc phải từ đủ 15 tuổi trở lên và phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật (Điều 1 Thông tư 15/2012/TT-BNV);
- Có đơn đăng ký dự tuyển;
- Có lý lịch rõ ràng;
- Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc năng khiếu, kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm. Hiện nay, theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 161 năm 2018 của Chính phủ, loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập không còn bị phân biệt nữa;
- Có đủ sức khỏe để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;
Đồng thời, tùy theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định mà cần phải đáp ứng thêm các điều kiện khác. Tuy nhiên, những điều kiện này không được trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra, những người tham gia thi tuyển cũng không thuộc một trong các đối tượng bị cấm đăng ký dự tuyển viên chức sau đây:
- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.
Như vậy, để được đăng ký thi tuyển vào viên chức, bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đã nêu ở trên. Nếu đã có đủ các điều kiện trên thì không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo đều sẽ được đăng ký dự thi viên chức.
Điều kiện thi tuyển viên chức mới nhất hiện nay (Ảnh minh họa)
Thi viên chức chỉ phải nộp Phiếu đăng ký dự tuyển?
Trước đây, theo quy định tại Điều 2 Thông tư 15/2012/TT-BNV, để đăng ký dự tuyển viên chức, người dự thi phải chuẩn bị bộ hồ sơ gồm:
- Đơn đăng ký dự tuyển (theo mẫu);
- Sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;
- Văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển (Bản sao chứng thực); Nếu do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp thì phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt;
- Giấy chứng nhận sức khỏe còn giá trị sử dụng do cơ quan y tế có đủ điều kiện khám sức khỏe chứng nhận;
- Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên (nếu có).
Tuy nhiên, quy định này đã bị bãi bỏ bởi điểm đ khoản 4 Điều 6 Thông tư 03/2019/TT-BNV.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 29/2012/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP nêu rõ:
Người đăng ký dự tuyển viên chức nộp trực tiếp Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu ban hành kèm Nghị định này tại địa điểm tiếp nhận Phiếu hoặc gửi qua đường bưu chính
Do đó, theo quy định hiện hành, thành phần hồ sơ khi đăng ký thi tuyển viên chức chỉ còn Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu ban hành kèm Nghị định 161 nêu trên.
Các văn bằng, chứng chỉ, kết quả học tập, giấy tờ về đối tượng ưu tiên… chỉ phải xuất trình bản chính sau khi đã trúng tuyển để hoàn thiện hồ sơ dự tuyển cũng như ký hợp đồng làm việc.
Như vậy, hiện nay, để đăng ký dự thi viên chức, người dự thi chỉ cần chuẩn bị và khai đầy đủ, trung thực vào Phiếu đăng ký dự tuyển (theo mẫu).
Trên đây là tổng hợp toàn bộ các điều kiện thi tuyển viên chức mới nhất. Có thể thấy, thủ tục, hồ sơ dự thi viên chức hiện đã được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người muốn đăng ký dự thi.
>> Nội quy thi tuyển công chức, viên chức mới nhất
Nguyễn Hương