Điều kiện miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là gì?

Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là người sát sao với người dân nhất nhưng không phải ai cũng biết được khi nào trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố bị miễn nhiệm. Dưới đây là quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục miễn nhiệm trưởng thôn.

1. Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là ai?

Tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn được định nghĩa tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 04/2012/TT-BNV như sau:

1. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; được hưởng phụ cấp hàng tháng, mức phụ cấp do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

Căn cứ khoản 2 Điều 1 Thông tư 14/018/TT-BNV, mỗi thôn sẽ có trưởng thôn, mỗi tổ dân phố sẽ có tổ trưởng tổ dân phố. Trong đó, điều kiện, tiêu chuẩn để được trở thành trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố gồm:

- Là người có hộ khẩu thường trú, cư trú thường xuyên ở thôn, tổ dân phố.

- Độ tuổi: Đủ 21 tuổi trở lên.

- Sức khoẻ: Có sức khoẻ tốt.

- Điều kiện khác: Nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm trong công tác. Bên cạnh đó, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố còn cần phải:

  • Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được nhận dân tín nhiệm;
  • Gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật… và các quy định của địa phương. Trong tiêu chuẩn này, không chỉ áp dụng với chính bản thân trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố mà còn áp dụng với gia đình của các đối tượng này.
  • Có kiến thức văn hoá, năng lực, kinh nghiệm, phương pháp cụ thể để vận động nhân dân thực hiện tốt các công việc tự quản của thôn, tổ dân phố, cộng đồng dân cư và do cấp trên giao xuống.

2. Điều kiện, quy trình miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố

Cũng tại Thông tư 14/2018/TT-BNV, cụ thể là khoản 9 Điều 1 Thông tư 14, việc miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được thực hiện theo quy định của Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN. Theo đó, Điều 10 Nghị quyết liên tịch này hướng dẫn như sau:

2.1 Điều kiện miễn nhiệm

Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

- Do sức khoẻ.

- Do hoàn cảnh gia đình.

- Vì lý do khác.

(căn cứ khoản 1 Điều 10 Hướng dẫn ban hành kèm theo Nghị quyết số 09 năm 2008).

2.2 Thành phần tham gia

Việc miễn nhiệm phải được tổ chức tại hội nghị cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình ở thôn, tổ dân phố. Do đó, thành phần tham gia hội nghị cử tri về việc miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố gồm:

- Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố (đảm bảo trên 50% số cử chi).

- Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đương nhiệm.

- Các cơ quan, đoàn thể khác trong thôn: Chi bộ thôn, ban kiểm phiếu…

(căn cứ điểm b khoản 2 Điều 10)

2.3 Cơ quan có thẩm quyền giải quyết

Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan xem xét, ra quyết định công nhận kết quả miễn nhiệm chức danh trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố đóng vai trò quan trọng trong việc miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố khi thực hiện các công việc:

- Nhận đơn xin miễn nhiệm của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

- Chủ trì hội nghị cử tri về việc miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

2.4 Thời gian giải quyết

Thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân cấp xã sẽ xem xét, ra quyết định công nhận kết quả miễn nhiệm chức danh trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Đồng thời, việc bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố mới phải tiến hành trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Uỷ ban nhân dân ra quyết định công quả kết quả miễn nhiệm.

(căn cứ điểm d khoản 2 Điều 10)

2.5 Quy trình miễn nhiệm

Bước 1: Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố gửi đơn đề nghị miễn nhiệm gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã. Riêng trường hợp được điều động làm công tác khác thì không cần đơn xin miễn nhiệm.

Lưu ý: Trong đơn cần trình bày rõ ràng lý do xin miễn nhiệm.

Bước 2: Tổ chức hội nghị cử tri để miễn nhiệm

Hội nghị được tổ chức nếu có trên 50% cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tham gia. Trong hội nghị sẽ tiến hành các công việc sau đây:

- Trưởng ban công tác Mặt trận thôn chủ trì hội nghị, nêu lý do của hội nghị.

- Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trình bày lý do xin miễn nhiệm.

- Đánh giá, thảo luận quá trình hoạt động của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và tiến hành biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị biểu quyết bằng hình thức nào sẽ được quyết định trong hội nghị.

Lưu ý: Khi bỏ phiếu thì bầu tổ kiểm phiếu có từ 03 - 05 người làm nhiệm vụ.

- Điều kiện để Trưởng ban công tác Mặt trận thôn báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là phải có trên 50% cử tri trong tổng số cử tri/cử tri đại diện hộ gia đình tán thành với việc miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Bước 3: Giải quyết miễn nhiệm trưởng thôn

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Trưởng ban công tác Mặt trận thôn báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân sẽ giải quyết việc miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Nếu không đồng ý thì sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không đồng ý.

Bước 4: Bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tạm thời và chính thức

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tạm thời để điều hành hoạt động của thôn, tổ dân phố.

Trong 20 ngày kể từ ngày ra quyết định công nhận kết quả miễn nhiệm trưởng thôn phải tiến hành bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố mới.

Trên đây là giải đáp về vấn đề: Điều kiện miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục