Khi nào công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo?

Việc được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo sau thời gian làm việc, cống hiến chắc hẳn là mong muốn có rất nhiều công chức. Vậy điều kiện để được bổ nhiệm quản lý, lãnh đạo là gì?


6 điều kiện công chức được bổ nhiệm chức vụ, lãnh đạo

Khoản 5 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 nêu rõ:

Bổ nhiệm là việc cán bộ, công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Điều 51 Luật này quy định, căn cứ để bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là:

- Nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Để hướng dẫn chi tiết quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2020/NĐ-CP. Trong đó, Điều 42 Nghị định này nêu rõ, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chức giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo gồm:

- Bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ bổ nhiệm.

- Phải được quy hoạch chức vụ bổ nhiệm nếu là nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch chức vụ tương đương nếu là nguồn nhân sự từ nơi khác.

- Có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập.

- Đáp ứng điều kiện về độ tuổi được bổ nhiệm:

  • Được đề nghị bổ nhiệm lần đầu hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì tuổi bổ nhiệm: Phải còn đủ 05 năm công tác tính từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
  • Được bổ nhiệm vào chức vụ mà thời hạn mỗi lần bổ nhiệm của chức vụ đó là dưới 05 năm: Tuổi bổ nhiệm phải đủ một nhiệm kỳ;
  • Công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ: Không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định trên.

- Có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.

- Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ của Đảng và của pháp luật; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật.

Theo quy định mới, công chức để được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo phải đáp ứng đầy đủ 06 yêu cầu nêu trên - bổ sung thêm một yêu cầu so với quy định trước đây tại Nghị định 24 năm 2010 (trước đây chỉ yêu cầu 05 điều kiện).

dieu kien bo nhiem cong chuc lanh dao
Điều kiện bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý mới nhất (Ảnh minh họa)


Công chức chỉ giữ chức vụ lãnh đạo không quá 2 nhiệm kỳ?

Khoản 2 Điều 51 Luật Cán bộ công chức nêu rõ:

Thời hạn bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 05 năm; khi hết thời hạn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.

Theo quy định này, công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong thời hạn 05 năm. Khi hết thời hạn này, công chức có thể được xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.

Nhưng nếu pháp luật chuyên ngành và cơ quan có thẩm quyền có quy định khác thì thực hiện theo quy định đó.

Đồng thời, Điều 41 Nghị định 138 nêu rõ:

1. Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực, trừ trường hợp thời hạn dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành.

Trong khi đó, trước đây, theo quy định của Điều 5 Quyết định 27/2003/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định:

Thời hạn mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm; đối với một số cơ quan, đơn vị đặc thù có thể quy định thời hạn mỗi lần bổ nhiệm ngắn hơn

Như vậy, theo quy định hiện hành, công chức chỉ được bổ nhiệm không quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp và mỗi lần bổ nhiệm chỉ trong thời hạn không quá 05 năm. Nếu pháp luật chuyên ngành quy định về thời hạn dưới 05 năm thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trên đây là quy định về điều kiện bổ nhiệm công chức giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Chỉ luân chuyển công tác công chức là quản lý, lãnh đạo?

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.