Sắp tới đây, Nghị định 62/2020/NNĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức mới được Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực từ 20/7/2020 với nhiều quy định đáng chú ý liên quan đến việc điều chỉnh biên chế công chức.
Biên chế công chức là gì?
Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể, rõ ràng về biên chế công chức. Tuy nhiên, cụm từ này lại xuất hiện ở khá nhiều văn bản như Luật Cán bộ, công chức hiện hành, Nghị định về tinh giản biên chế…
Có thể hiểu một cách đơn giản, khi công chức được vào biên chế đồng nghĩa với việc sẽ có một vị trí việc làm lâu dài, không có thời hạn, ổn định trong suốt thời gian làm việc, được hưởng các chế độ về lương, phụ cấp theo quy định đến khi nghỉ hưu.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định hướng dẫn về biên chế công chức. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 62 năm 2020, căn cứ để xác định biên chế công chức gồm:
- Vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm;
- Mức độ hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;
- Thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao;
- Riêng với cơ quan, tổ chức ở địa phương còn cần phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, so với quy định cũ nêu tại Nghị định 21/2010/NĐ-CP, quy định mới đã bỏ việc xác định biên chế công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này nhằm phù hợp với Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung sắp có hiệu lực từ 01/7/2020.
Theo khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, đối tượng là công chức bị thu hẹp theo hướng lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập không còn là công chức.
Thay đổi mới về điều chỉnh biên chế công chức theo Nghị định 62 (Ảnh minh họa)
3 trường hợp điều chỉnh biên chế công chức
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 62, so với căn cứ điều chỉnh biên chế công chức được quy định tại Điều 11 Nghị định 21/2010/NĐ-CP, căn cứ điều chỉnh biên chế công chức từ 20/7/2020 đã có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể:
- Cơ quan, tổ chức có thay đổi một trong các căn cứ: Vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; Thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao… (Quy định mới so với Nghị định 21/2010/NĐ-CP);
- Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (Không thay đổi so với quy định tại Nghị định 21/2010);
- Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện (so với Nghị định 21/2010, căn cứ này bổ sung thêm trường hợp giải thể);
- Bãi bỏ căn cứ “điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”.
Như vậy, có thể thấy, so với quy định hiện hành, từ 20/7/2020, căn cứ điều chỉnh biên chế công chức có sự thay đổi đáng kể.
Trình tự, hồ sơ điều chỉnh biên chế công chức có gì mới?
Tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 62, hồ sơ cần có gồm:
- Văn bản đề nghị điều chỉnh biên chế công chức;
- Đề án điều chỉnh biên chế công chức;
- Các tài liệu liên quan đến điều chỉnh biên chế công chức kèm theo.
Về cơ bản, các hồ sơ đều được giữ nguyên như quy định hiện hành. Tuy nhiên, Nghị định 62 quy định cụ thể hơn các trường hợp điều chỉnh. Cụ thể như sau:
- Điều chỉnh tăng biên chế hoặc điều chuyển biên chế công chức giữa các Bộ, ngành, địa phương: Các Bộ, ngành, địa phương gửi hồ sơ điều chỉnh biên chế công chức về Bộ Nội vụ để thẩm định, trình Chính phủ quyết định;
- Điều chuyển biên chế công chức giữa các Bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước: Gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ để quyết định.
Từ 20/7/2020, biên chế công chức có nhiều thay đổi mới? (Ảnh minh họa)
Phải bồi hoàn kinh phí nếu tuyển quá biên chế công chức?
Nghị định 21 năm 2010 hiện chưa có quy định nào đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi thực hiện biên chế công chức. Điều này dẫn đến việc khó xác định cụ thể trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu.
Bởi vậy, để khắc phục bất cập này, Nghị định 62 đã bổ sung quy định người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức không thực hiện đúng quy định về biên chế công chức sẽ bị:
- Xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật;
- Đưa vào xem xét phân loại, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm;
- Phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc sử dụng không đúng quy định về quản lý và sử dụng biên chế công chức.
Đây là quy định hoàn toàn mới so với Nghị định 21 năm 2010 hiện đang có hiệu lực. Điều này khiến việc thực hiện biên chế công chức trong thời gian sắp tới hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Ngoài ra, một nội dung khác về biên chế công chức đang được quan tâm là chính sách tinh giản biên chế. Quý độc giả có thể tham khảo thêm tại bài viết dưới đây:
>> 5 nội dung quan trọng về tinh giản biên chế theo Nghị định 108