5 điều cấm với cán bộ, công chức dịp Tết Canh Tý 2020

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán năm 2020. Dưới đây là tổng hợp những điều cấm mà mọi cán bộ, công chức cần phải nhớ kỹ trong dịp Tết năm nay.

1. Cấm nhận quà và biếu quà trái quy định

Khoản 2 Điều 22 Luật Phòng chống tham nhũng nêu rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức từ đối tượng có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Đây là một trong những điểm mới nổi bật của Luật này so với Luật Phòng, chống tham nhũng 2005. Theo đó, trước đây, Luật chỉ cấm cán bộ, công chức, viên chức không được “nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất”. Còn hiện nay, phạm vi cấm đã mở rộng “dưới mọi hình thức”.

Như vậy, theo quy định hiện nay, các hình thức quà tặng phi vật chất mà trước đây chưa có trong Luật đã được bổ sung, khiến công tác phòng chống tham nhũng được triệt để và quán triệt hơn.

Không chỉ vậy, theo Quy định số 205-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành, việc tranh thủ mọi lúc, mọi nơi nhất là các dịp lễ Tết để tặng quà, tiền, bất động sản… nhằm đạt được vị trí, chức vụ, quyền lợi là biểu hiện của chạy chức, chạy quyền.

Đây cũng là nội dung nổi bật nêu tại Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 10/12/2019 về việc tổ chức Tết năm 2020.


Tết Nguyên đán 2020, công chức phải nhớ kỹ 5 điều này (Ảnh minh họa)

2. Cấm dùng ngân sách Nhà nước đi biếu quà Tết

Không chỉ cấm cán bộ, công chức đi tặng quà, biếu quà Tết sếp mà Nghị định 59 nêu trên còn cấm dùng ngân sách Nhà nước để tặng quà Tết lãnh đạo. Theo đó, tài sản công chỉ được dùng làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách (Điều 24).

Nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho Nhà nước. Cá nhân dùng tài sản công không đúng thẩm quyền thì phải bồi hoàn và tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý.

Theo đó, Điều 10 Nghị định 63/2019/NĐ-CP nói rõ:

Phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng với hành vi tặng cho tài sản công không đúng quy định.

3. Cấm uống rượu, bia, đi lễ hội, du xuân trong thời gian làm việc

Theo quy định tại Chỉ thị số 26/CT-TTg năm 2016 của Thủ tướng về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức không được uống các đồ có cồn như rượu, bia… trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc.

Đồng thời, cũng tại Chỉ thị nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, cán bộ, công chức, viên chức không được sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng. Một trong số đó là hút thuốc lá, đi lễ hội, liên hoan, du xuân…

Đặc biệt, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vừa chính thức có hiệu lực từ 01/01/2020 thì quy định này đã được Luật hóa.

Cụ thể, khoản 5 Điều 5 Luật này nêu rõ:

Cán bộ, công chức, viên chức không được uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Với riêng cán bộ, công chức Hà Nội, trong dịp Tết 2020 phải chủ động hạn chế và kiểm soát việc uống rượu, bia của bạn bè, người thân nhằm thực hiệm nghiêm quy định về an toàn giao thông (Theo Chỉ thị số 20). Bởi từ những ngày đầu năm 2020, Nghị định 100 có hiệu lực đã tăng mạnh mức phạt khi sử dụng nồng độ cồn tham gia giao thông.

Xem thêm: Mức phạt nồng độ cồn tăng mạnh thế nào qua 6 năm và 3 Nghị định?

5 điều cấm với cán bộ công chức trong dịp Tết năm nay (Ảnh minh họa)

4. Cấm đánh bạc dưới mọi hình thức

Nhiều người vẫn nghĩ chơi bài, đánh bạc chỉ là thú vui giải trí ngày Tết, tuy nhiên, đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, đặc biệt với cán bộ, công chức.

Tại Chỉ thị 26, Thủ tướng Chính phủ cấm cán bộ, công chức không được vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức.

Ngoài ra, nếu đánh bạc cán bộ, công chức còn có thể bị:

- Xử phạt hành chính: Bị phạt tiền với mức cao nhất lên đến 20 triệu đồng (Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP);

- Chịu trách nhiệm hình sự: Bị phạt tù cao nhất đến 07 năm tù (Theo Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).

5. Cấm dùng xe công đi lễ chùa sau Tết

Theo Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng, tham nhũng được định nghĩa là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Trong đó, việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dùng xe công đi lễ hội dịp Tết cũng là một trong những biểu hiện của tham nhũng.

Tùy vào tính chất, mức độ mà hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc thậm chí là buộc thôi việc. Trong đó, căn cứ để áp dụng các hình thức kỷ luật là Điều 77 Nghị định 59 năm 2019 của Chính phủ.

Không chỉ bị xử lý kỷ luật, trong một số trường hợp, cán bộ, công chức còn có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt từ 10 - 20 triệu đồng (Căn cứ vào khoản 2 Điều 8 Nghị định 63 năm 2019 của Chính phủ).

>> Thưởng Tết của công chức, viên chức được quy định thế nào? 

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục