5 điểm mới về nâng ngạch công chức tại Nghị định 116/2024/NĐ-CP

Bên cạnh nhiều điểm mới về tuyển dụng công chức, nhiều quy định về nâng ngạch công chức đã được sửa đổi, bổ sung từ 17/9/2024. Dưới đây là tổng hợp điểm mới về nâng ngạch công chức tại Nghị định 116/2024/NĐ-CP.


1. Thay đổi điều kiện công chức được đăng ký thi nâng ngạch

Theo điểm a khoản 18 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP, điều kiện, tiêu chuẩn công chức đăng ký dự thi nâng ngạch gồm:

- Xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch.

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, không đang trong thời hạn kỷ luật, bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, không đang trong thời gian thực hiện quy định liên quan đến kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước.

Theo đó, quy định mới chỉ nêu chung về điều kiện dự thi công chức đã không liệt kê cụ thể các quy định về kỷ luật tại các văn bản pháp luật như trước đây.

- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhận vị trí việc làm tương ứng của ngạch công chức được nâng hạng.

- Đáp ứng yêu cầu văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của ngạch dự thi mà không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Trong khi quy định cũ tại khoản 3 Điều 30 Nghị định 138/2020/NĐ-CP vẫn yêu cầu đầy đủ các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nếu thuộc đối tượng phải nộp loại văn bằng, chứng chỉ này.

- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu với từng ngạch công chức được nâng ngạch.

2. Quy định mới về trường hợp xét nâng ngạch công chức

Khoản 19 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP đã bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp xét nâng ngạch công chức từ ngày 17/9/2024. Cụ thể:

- Vẫn quy định hai trường hợp được xét nâng ngạch công chức là: Đáp ứng điều kiện được xét nâng ngạch công chức (không bao gồm yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu) và:

  • Có thành tích trong hoạt động công vụ được cấp có thẩm quyền công nhận.
  • Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Trong đó, điều kiện cụ thể của hai trường hợp này được Chính phủ bổ sung như sau:

Có thành tích trong hoạt động công vụ

Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Từ nhân viên/tương đương lên cán sự/tương đương; từ cán sự/tương đương lên chuyên viên/tương đương:

- Được tặng bằng khen (Do Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên tặng khi có thành tích trong công tác) và được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch;

- Có 03 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 01 năm đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Xét lên chuyên viên cao cấp/tương đương khi được bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh:

- Vụ trưởng và tương đương trở lên thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (là công chức);

- Phó Tổng Cục trưởng và tương đương trở lên thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ;

- Cục trưởng và tương đương thuộc Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ đối (áp dụng với công chức chuyên ngành mà không phải chuyên viên cao cấp);

- Giám đốc Sở và tương đương trở lên thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh.

Từ ngạch chuyên viên/tương đương lên ngạch chuyên viên chính/tương đương:

- Được tặng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên và đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch;

- Được tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong 03 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch;

- Được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên và đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong 03 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch, trong đó có ít nhất 01 năm đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Xét lên chuyên viên chính/tương đương khi được bổ nhiệm:

- Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (trường hợp là công chức);

- Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ;

- Phó Cục trưởng và tương đương thuộc Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ (xét nâng ngạch lên ngạch công chức chuyên ngành mà không phải là ngạch chuyên viên chính);

- Phó Giám đốc Sở và tương đương thuộc (UBND) cấp tỉnh; Chủ tịch (UBND) cấp huyện và tương đương.

Từ ngạch chuyên viên chính/tương đương lên ngạch chuyên viên cao cấp/tương đương:

- Được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì trở lên và đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong 03 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch, trong đó có ít nhất 01 năm đạt mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

- Được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Đồng thời, nếu có số lượng công chức đạt đủ điều kiện nhiều hơn cơ cấu ngạch thì xác định theo thứ tự ưu tiên sau đây:

  • Có thành tích khen thưởng cao hơn. Nếu bằng nhau thì xét người có nhiều thành tích hơn trong thời gian giữ ngạch.
  • Có thành tích thi đa cao hơn. Nếu bằng nhau thì xét người có nhiều thành tích thi đua hơn.
  • Xếp theo thứ tự: Công chức là nữ; là người dân tộc thiểu số; nhiều tuổi hơn; có thời gian công tác lâu hơn.
  • Nếu vẫn không xác định được thì sẽ do cấp có thẩm quyền quản lý xem xét, quyết định.

3. Từ 17/9/2024, bỏ thi tin học khi nâng ngạch công chức

Nội dung về thi tin học được nêu tại khoản 1 Điều 37 về môn thi kiến thức chung khi thi nâng ngạch công chức đã bị bãi bỏ bởi điểm a khoản 46 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP.

Đồng thời, những yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của ngạch dự thi trong hồ sơ nâng ngạch công chức cũng bãi bỏ tin học.

Không chỉ vậy, quy định về miễn thi tin học với người có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành liên quan tin học, công nghệ thông tin cũng đã không còn được quy định khi thi môn chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhiều quy định về thi ngoại ngữ, tin học khi nâng ngạch công chức thay đổi (Ảnh minh họa)

4. Chỉ còn 2 trường hợp miễn ngoại ngữ khi nâng ngạch công chức

Về các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ, từ 17/9/2024 theo điểm 6 khoản 25 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP, công chức chỉ còn có 02 trường hợp gồm:

  • Còn dưới 05 năm công tác để đến đủ tuổi nghỉ hưu;
  • Thuộc trường hợp được miễn thi ngoại ngữ, phù hợp với tiêu chuẩn về ngoại ngữ của ngạch công chức dự thi: Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm cùng hoặc ở trình độ cao hơn so với yêu cầu, có chứng chỉ tiếng dan tộc thiểu số…

Trong khi đó, các trường hợp miễn thi ngoại ngữ có tới 04 trường hợp gồm:

  • Còn dưới 05 năm công tác để đến đủ tuổi nghỉ hưu;
  • Có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số/là người dân tộc thiểu số đang công tác ở vùng dân tộc thiểu số;
  • Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng hoặc cao hơn trình độ yêu cầu của vị trí việc làm;
  • Có bằng tốt nghiệp theo yêu cầu hoặc cao hơn yêu cầu của vị trí viẹc làm do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận ở Việt Nam.

5. Giảm thời gian thông báo nộp đơn phúc khảo nâng ngạch công chức

Theo khoản 25 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP, thời hạn nộp đơn phúc khảo kết quả thi môn chuyên môn, nghiệp vụ là 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả điểm thi.

Đồng thời, việc công bố kết quả phúc khảo phải được thực hiện chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo.

Trong khi đó, theo quy định cũ, thời gian nộp đơn phúc khảo là 15 ngày kể từ ngày được thông báo kết quả điểm thi. Đồng thời, công chức thi nâng ngạch có thể phúc khảo kết quả thi kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học và môn chuyên môn, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, do hiện tại đã thi trắc nghiệm nên chỉ còn môn chuyên môn, chuyên ngành là được thực hiện phúc khảo.

Việc công bố kết quả phúc khảo cũng thông báo chậm nhất 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo.

Trên đây là tổng hợp điểm mới về nâng ngạch công chức tại Nghị định 116/2024/NĐ-CP.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục