5 điểm mới về hợp đồng làm việc của viên chức từ 01/7/2020

Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 sắp có hiệu lực ngày 01/7/2020 đã bổ sung thêm nhiều quyền, nghĩa vụ của viên chức. Đặc biệt, các quy định về hợp đồng làm việc của đối tượng này cũng có nhiều điểm mới.



1. Bỏ "biên chế" với người trúng tuyển mới từ 01/7/2020

Điểm nổi bật nhất của Luật sửa đổi lần này chính là chính thức bỏ “chế độ biên chế suốt đời” với các đối tượng được tuyển dụng mới từ ngày 01/7/2020.

Cụ thể, hiện nay, theo Luật Viên chức hiện đang còn hiệu lực, khi trúng tuyển viên chức, người trúng tuyển sẽ được ký kết hai loại hợp đồng làm việc:

- Hợp đồng làm việc có thời hạn: Hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian từ 12 - 36 tháng trừ trường hợp cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập…

- Hợp đồng làm việc không có thời hạn: Hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, áp dụng với người đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn và cán bộ, công chức chuyển thành viên chức…

Tuy nhiên, khi Luật sửa đổi, bổ sung 2019 chính thức có hiệu lực, các đối tượng được áp dụng 02 loại hợp đồng này có sự thay đổi đáng kể.

Với những người được tuyển dụng mới từ 01/7/2020, sau khi hợp đồng xác định thời hạn hết hạn, nếu đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn nhu cầu sử dụng viên chức sẽ phải ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn mà không được chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn như hiện nay.

Như vậy, người được tuyển dụng mới từ ngày 01/7/2020 sẽ không còn được hưởng chế độ “biên chế suốt đời” nữa.


Từ 01/7/2020, nhiều quy định mới về hợp đồng làm việc của viên chức (Ảnh minh họa)

2. Trúng tuyển trước ngày 01/7/2020 vẫn được biên chế

Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật hiện hành, hợp đồng không xác định thời hạn chỉ áp dụng với 02 đối tượng là:

- Viên chức đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức.

Nhưng khi Luật này được sửa đổi, bổ sung, từ 01/7/2020, sẽ chỉ còn 03 trường hợp được hưởng “biên chế suốt đời” là:

- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định;

- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;

- Người được tuyển dụng viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020, Luật sửa đổi có quy định:

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng với viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020

Đồng thời, tại khoản 10 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức năm 2019 đã bổ sung thêm quy định về hướng giải quyết với những viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 nhưng chưa ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

Theo đó, những đối tượng này sẽ được tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết. Sau khi hết thời hạn của hợp đồng làm việc đã ký kết thì được ký hợp đồng không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định.

Như vậy, những đối tượng được tuyển dụng trước 01/7/2020 nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện thì vẫn được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hay thường gọi là "biên chế suốt đời".

3. Kéo dài thời hạn hợp đồng viên chức lên 60 tháng

Không chỉ tác động đến các đối tượng được áp dụng các loại hợp đồng mà Luật sửa đổi còn nâng thời hạn thực hiện hợp đồng xác định thời hạn từ tối đa 36 tháng lên đến 60 tháng.

Nếu trước đây, thời hạn thực hiện hợp đồng làm việc là từ 12 tháng đến 36 tháng thì nay, từ ngày 01/7/2020, hợp đồng này sẽ có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

Việc kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng làm việc tạo nhiều thuận lợi cho viên chức trong việc làm quen với công việc của vị trí được tuyển dụng.


Chính thức xóa bỏ "biên chế suốt đời" với viên chức tuyển dụng mới (Ảnh minh họa)

4. Cách xử lý hợp đồng làm việc xác định thời hạn hết hạn

Một trong những điểm mới nổi bật về các loại hợp đồng làm việc của viên chức được nêu tại Luật sửa đổi là cách xử lý hợp đồng làm việc xác định thời hạn hết hạn.

Theo quy định hiện hành tại khoản 2 Điều 28 Luật Viên chức, trước khi hết hạn hợp đồng 60 ngày, người đứng đầu đơn vị đơn vị sự nghiệp căn cứ vào nhu cầu, đánh giá khả năng hoàn thành nhiệm vụ của viên chức mà quyết định ký tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc với đối tượng này.

Tuy nhiên, quy định này chưa nêu cụ thể cách xử lý với từng trường hợp. Do đó, để khắc phục, Luật sửa đổi đã bổ sung quy định:

- Nếu đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ điều kiện thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký tiếp hợp đồng làm việc;

- Nếu không ký tiếp thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

5. Thêm trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

Điều 29 Luật hiện hành quy định có 05 trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức:

- Có 02 năm liên tiếp bị đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;

- Bị buộc thôi việc;

- Bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục (làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn); Bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục (làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn);

- Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng buộc đơn vị sự nghiệp công lập phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm của viên chức không còn;

- Đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Thì nay, Luật sửa đổi đã bổ sung thêm 01 trường hợp nữa là khi viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.

Khi được tuyển dụng, viên chức sẽ có thời gian tập sự để làm quen với vị trí việc làm được tuyển dụng trong thời gian từ 03 tháng - 12 tháng. Và nếu sau thời gian này, viên chức không đạt yêu cầu thì đơn vị sự nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Trên đây là tổng hợp 05 điểm mới về hợp đồng làm việc của viên chức theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019.

>> Infographic: Các loại hợp đồng làm việc của viên chức theo quy định mới

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục