6 điểm mới của Quy định 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức cán bộ

Ngày 03/11/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức với cán bộ. Theo đó, Quy định 41 này có nhiều điểm mới so với trước đây.


1. Bổ sung thêm nhiều khái niệm mới

So với quy định cũ tại Quy định số 260-QĐ/TW, tại Quy định mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã sửa đổi, bổ sung các khái niệm. Trong đó, có sửa đổi khái niệm miễn nhiệm, từ chức như sau:

1. Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.

2. Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Trong khi đó, theo quy định cũ, hai khái niệm này được định nghĩa như sau:

2. “Miễn nhiệm'' là việc cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt chức vụ đối với cán bộ do vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức hoặc bãi nhiệm. Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên.

3. ''Từ chức'' là việc cán bộ tự nguyện, chủ động xin thôi giữ chức vụ và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Có thể thấy, theo quy định mới, miễn nhiệm được bổ sung thêm “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm” để xác định cụ thể hơn về việc miễn nhiệm với các trường hợp:

- Không đáp ứng được yêu cầu công việc (quy định cũ là năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ).

- Uy tín giảm sút (quy định cũ là mất uy tín).

- Có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức (quy định cũ bao gồm cả trường hợp chưa đến mức bị kỷ luật bãi nhiệm).

Đồng thời, Quy định 41 cũng bổ sung thời điểm cán bộ từ chức là “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”.

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng bổ sung hai khái niệm mới là "vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng" và "vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng" song song với việc bỏ các khái niệm “thôi giữ chức vụ”, “cấp có thẩm quyền”, “tập thể lãnh đạo” và “cơ quan tham mưu”.

3. Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.

4. Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, gây dư luận xấu, rất bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.


2. Không cho cán bộ từ chức nếu phải miễn nhiệm

Đây là một trong những nguyên tắc mới được đề cập đến tại khoản 3 Điều 3 Quy định 41. Cụ thể:

Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.

Trong khi đó, khoản 3 Điều 3 Quy định 260 cũ không đề cập đến vấn đề này mà chỉ nêu, việc từ chức của cán bộ do người đứng đầu quyết định sau khi tham khảo ý kiến của các thành viên lãnh đạo khác.

Đồng thời, so với quy định cũ, Quy định 41 cũng tách riêng một Điều về thẩm quyền mà không phải nêu trong nguyên tắc chung như Quy định 260. Cụ thể:

- Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thì cũng có thẩm quyền xem xét cán bộ miễn nhiệm, từ chức.

- Khi việc cho từ chức, miễn nhiệm cán bộ thuộc thẩm quyền cấp trên thì cấp ủy, tổ chức đảng báo cáo cấp trên đề xuất miễn nhiệm, từ chức.

- Khi có đủ căn cứ, cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới xem xét, thực hiện miễn nhiệm, từ chức với cán bộ.

diem moi cua Quy dinh 41-qd/tw
6 điểm mới của Quy định 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức cán bộ (Ảnh minh họa)


3. 6 trường hợp miễn nhiệm, 4 trường hợp xem xét cán bộ từ chức

Cụ thể, việc xem xét miễn nhiệm, xem xét từ chức với cán bộ được nêu tại Điều 5 và Điều 6 Quy định 41 như sau:

Xem xét miễn nhiệm

- Bị cảnh cáo/khiển trách, uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao (quy định cũ đang là yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế). Đồng thời, bỏ trường hợp vi phạm pháp luật bị kết luận bằng văn bản nhưng chưa đến mức cách chức/bãi nhiệm.

- Bị khiển trách 02 lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ/thời hạn bổ nhiệm (quy định cũ không nên rõ hình thức kỷ luật khiển trách mà chỉ yêu cầu là bị kỷ luật hai lần).

- Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu (quy định mới được bổ sung).

- Có 02 năm liên tiếp xếp loại mức không hoàn thành nhiệm vụ (như quy định cũ).

- Bị kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm điều Đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín bản thân, cơ quan, đơn vị đang công tác (quy định cũ quy định bị kết luận vi phạm những điều Đảng viên, cán bộ, công chức không được làm).

- Bị kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm (như quy định cũ).

Như vậy, so với quy định cũ, Bộ Chính trị đã bổ sung thêm nhiều trường hợp miễn nhiệm cũng như bỏ trường hợp “để/làm đơn vị mất đoàn kết, bị kết luận bằng văn bản về việc vi phạm tư cách đạo đức cán bộ”.

Xem xét từ chức

- Do hạn chế về năng lực/không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao (trước đây là do nhận thấy hạn chế về năng lực…)

- Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng (quy định cũ là do nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình).

- Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu (quy định mới được bổ sung).

- Vì lý do chính đáng khác của cá nhân. Việc cán bộ xin từ chức vì lý do sức khỏe hiện đã không còn được liệt kê thành một trường hợp riêng biệt. Có thể thấy, lý do chính đáng khác của cá nhân theo quy định mới đã bao gồm lý do sức khỏe này.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã không đưa trường hợp “cán bộ từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý” vào một trong các trường hợp được từ chức nêu tại Quy định 41 này.


4. Quyết định miễn nhiệm, cho từ chức chậm nhất trong 25 ngày

Trước đây, tại Quy định 260, Bộ Chính trị quy định về quy trình xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức theo quy định riêng và quy định thời gian giải quyết, xem xét miễn nhiệm, từ chức của cán bộ là trong thời hạn 30 ngày (theo Điều 19 Quy định 260).

Tuy nhiên, tại Quy định 41, quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức đã được thể hiện cụ thể, rõ ràng hơn như sau:

- Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức: Cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ… có trách nhiệm trao đổi với cán bộ, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- 10 ngày làm việc: Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, từ chức.

- Không quá 15 ngày làm việc: Nếu có lý do khách quan, trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian giải quyết.

Như vậy, theo quy định này, thời gian nhanh nhất để xem xét, quyết định miễn nhiệm, từ chức cán bộ là 20 ngày, dài nhất là 25 ngày.


5. Quy định mới về hồ sơ miễn nhiệm, từ chức

Nếu như trước đây, Quy định 260 yêu cầu hồ sơ của từng trường hợp như sau:

Khi xem xét miễn nhiệm

- Tờ trình về công tác cán bộ của cơ quan tham mưu.

- Văn bản liên quan khi xem xét miễn nhiệm gồm quyết định kỷ luật, văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến cán bộ.

- Tóm tắt lý lịch cán bộ.

- Nhận xét, đánh giá cán bộ trong nhiệm kỳ, thời hạn giữ chức vụ.

Khi xem xét từ chức

- Đơn xin từ chức của cán bộ.

- Tờ trình của cơ quan tham mưu.

Thì hiện nay theo Quy định 41, cả trường hợp từ chức và miễn nhiệm đều sử dụng thống nhất những loại hồ sơ như sau:

- Tờ trình về công tác cán bộ của cơ quan tham mưu.

- Quyết định, kết luận, thông báo, ý kiến của cơ quan có thẩm quyền; biên bản hội nghị, đơn xin của cán bộ xin từ chức; báo cáo đề nghị của cơ quan sử dụng cán bộ cùng các tài liệu liên quan khác.

Như vậy, có thể thấy, về quy trình miễn nhiệm, từ chức của cán bộ đã được quy định ngắn gọn hơn, giảm bớt hồ sơ cũng như được quy định thống nhất, cụ thể.

diem moi cua Quy dinh 41-qd/tw
Thống nhất hồ sơ, trình tự miễn nhiệm, từ chức với cán bộ (Ảnh minh họa)


6. Cán bộ từ chức có thể được xem xét bổ nhiệm, quy hoạch

Điều 10 Quy định 41 nêu về việc bố trí công tác với cán bộ sau khi từ chức. Cụ thể, nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác sau khi từ chức thì sẽ được xem xét, bố trí công tác phù hợp sau khi căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm làm việc.

Đồng thời, nếu đã từ chức, được bố trí công tác khác và được đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, khắc phục yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.

Đây là quy định mới, trước đây Quy định 260 chưa đề cập đến. Tuy nhiên, một số chính sách với cán bộ từ chức được nêu tại Quy định 260 thì tại Quy định 41, Bộ Chính trị không đề cập đến nữa.

Cụ thể, khoản 2 Điều 18 Quy định 260 nêu rõ, cán bộ xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý và do nhận thấy hạn chế về năng lực, sức khỏe được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn giữ chức vụ.

Trên đây là một số điểm mới của Quy định 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức với cán bộ so với Quy định 260 trước đây. Nếu còn thắc mắc các vấn đề khác liên quan đến cán bộ, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Cán bộ là gì? Cán bộ được xếp lương thế nào?

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Tại dự thảo Nghị định mới đây, Bộ Quốc phòng đã đề xuất quy định mới về tiêu chí, tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn. Theo dõi bài viết dưới đây để có thông tin cụ thể.