Vừa qua, Bộ Nội vụ vừa ban hành Công văn số 2499/BNV-CCVC về rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức. Trong đó, Bộ Nội vụ có đề xuất việc cắt giảm một số chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên.
Hạn chế trong công tác bồi dưỡng, cấp chứng chỉ hiện nay
Tại Công văn 2499/BNV-CCVC, Bộ nội vụ cho rằng, hiện nay việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức được thực hiện từ năm 2003 đã đi vào nề nếp, các chương trình bồi dưỡng đã cung cấp một nền kiến thức chung về quản lý hành chính nhà nước, quản lý chuyên ngành, các kỹ năng làm việc, thực hiện nhiệm vụ, góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lương đội ngũ công chức, viên chức.
Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức có một số hạn chế, tồn tại như sau:
- Nội dung một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm; còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp trong cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.
- Việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định về việc chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng.
Đề xuất cắt giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên (Ảnh minh họa)
Bộ Nội vụ đề xuất cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng cho giáo viên
Từ những hạn chế, bất cập trong việc cấp chứng chỉ đối với cán bộ, viên chức nêu trên, Bộ Nội vụ đã kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ:
- Đề nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chứ…
- Cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm….
- Giao Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng:
+ Không quy định cụ thể các chương trình bồi dưỡng theo các ngạch công chức hoặc hạng viên chức; thời hạn mỗi chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp không quá 08 tuần; nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng do Bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể (Điều 17);
+ Quy định việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý được thực hiện trước hoặc sau khi bổ nhiệm (thực hiện tương tự như bồi dưỡng về kiến thức quốc phòng và an ninh);
+ Sửa quy định về bồi dưỡng theo vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức;
+ Sửa đổi quy định về việc sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng, chỉ quy định về việc thay thế giữa các loại chứng chỉ, còn việc sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng hoặc bổ nhiệm sẽ được quy định tại các văn bản khác của Chính phủ có liên quan đến công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức (Điều 18 và Điều 26).
Hiện nay, để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông các hạng I, II, III , thì giáo viên cần có 3 loại chứng chỉ bồi dưỡng chức danh tương ứng với các hạng. Tuy nhiên, nếu đề xuất này được Chính phủ thông qua, thì giáo viên sẽ được cắt giảm 2 loại chứng chỉ bồi dưỡng.
Tương tự, với giảng viên các trường cao đẳng, đại học, việc yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cũng được giảm 2 loại.
Như vậy, nếu đề xuất trên được Chính phủ thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất có thể sẽ phải sửa đổi các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên và các quy định về thi/xét thăng hạng và chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Trên đây là thông tin về đề xuất cắt giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900 6192 để được hỗ trợ.
>> Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học là gì? Đánh giá thế nào?