Hướng dẫn đánh giá giáo viên mầm non cuối năm

Bài viết hướng dẫn đánh giá giáo viên mầm non cuối năm theo quy định mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1. Các tiêu chí đánh giá giáo viên mầm non cuối năm

Giáo viên mầm non tự đánh giá cuối năm theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non với 05 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí quy định tại Điều 4, 5, 6, 7, 8 Thông tư 26/2018/TT-BGDĐT như sau:

Hướng dẫn đánh giá giáo viên mầm non cuối năm
Hướng dẫn đánh giá giáo viên mầm non cuối năm (Ảnh minh họa)

Tiêu chí

Mức đạt

Mức khá

Mức tốt

Tiêu chuẩn 1. Phẩm chất nhà giáo

1. Đạo đức nhà giáo

Thực hiện nghiêm túc đạo đức nhà giáo.

Có ý thức tự học, rèn luyện, phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo.

Tấm gương mẫu mực về đạo đức của nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ đồng nghiệp trong việc rèn luyện đạo đức nhà giáo.

2. Phong cách làm việc

Có tác phong và phương pháp làm việc phù hợp với công việc của giáo viên mầm non.

Có ý thức tự rèn luyện, tạo dựng phong cách làm việc khoa học, gần gũi, tôn trọng trẻ em và cha mẹ trẻ em.

Tấm gương mẫu mực về phong cách làm việc khoa học, gần gũi, tôn trọng trẻ em và cha mẹ trẻ; có ảnh hưởng tốt, đồng thời hỗ trợ đồng nghiệp hình thành phong cách nhà giáo.

Tiêu chuẩn 2. Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ

3. Phát triển chuyên môn bản thân

Đạt chuẩn trình độ đào tạo cũng như tham gia và hoàn thành đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn theo quy định.

Thực hiện kế hoạch học tập, bồi dưỡng phù hợp với điều kiện; cập nhật các kiến thức chuyên môn, yêu cầu đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ em để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp phát triển chuyên môn bản thân.

4. Xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo hướng phát triển toàn diện trẻ em

Xây dựng được kế hoạch giáo dục, chăm sóc em theo Chương trình giáo dục mầm non, phù hợp với nhu cầu phát triển của trẻ trong nhóm, lớp.

Linh hoạt, chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục, chăm sóc hướng tới sự phát triển toàn diện của trẻ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường, lớp và văn hóa tại địa phương.

Tham gia phát triển chương trình giáo dục nhà trường; hỗ trợ đồng nghiệp trong xây dựng kế hoạch chăm sóc, giáo dục hướng tới sự phát triển toàn diện của trẻ em, phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường, lớp và văn hóa địa phương.

5. Nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe trẻ em

Thực hiện kế hoạch nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong nhóm, lớp; đảm bảo chế độ sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh, an toàn và phòng bệnh cho trẻ em theo Chương trình giáo dục mầm non.

Chủ động, linh hoạt thực hiện đổi mới các hoạt động nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe, đáp ứng các nhu cầu phát triển khác nhau của trẻ em và điều kiện thực tiễn của trường, lớp.

Chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động nuôi dưỡng và chăm sóc nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em.

6. Giáo dục phát triển toàn diện trẻ em

Thực hiện được kế hoạch giáo dục trong nhóm, lớp, đảm bảo hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện theo Chương trình giáo dục mầm non.

Chủ động đổi mới phương pháp giáo dục trẻ em, linh hoạt thực hiện các hoạt động giáo dục và điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được các nhu cầu, khả năng khác nhau của trẻ em và điều kiện thực tiễn của trường, lớp.

Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện và điều chỉnh, đổi mới các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng phát triển toàn diện trẻ em.

7. Quan sát và đánh giá sự phát triển của trẻ em

Sử dụng được phương pháp quan sát và đánh giá trẻ em để kịp thời điều chỉnh các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Chủ động, vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức, công cụ đánh giá nhằm đánh giá khách quan sự phát triển của trẻ em, từ đó điều chỉnh phù hợp kế hoạch chăm sóc, giáo dục.

Chia sẻ và hỗ trợ đồng nghiệp về kinh nghiệm vận dụng các phương pháp quan sát, đánh giá sự phát triển của trẻ em. Tham gia hoạt động đánh giá ngoài tại các cơ sở giáo dục mầm non.

8. Quản lý nhóm, lớp

Thực hiện đúng các yêu cầu về quản lý trẻ em, quản lý cơ sở vật chất và quản lý hồ sơ sổ sách của nhóm, lớp theo quy định.

Có sáng kiến trong các hoạt động quản lý nhóm, lớp phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường, lớp.

Chia sẻ kinh nghiệm hay, hỗ trợ đồng nghiệp trong quản lý nhóm, lớp theo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Tiêu chuẩn 3. Xây dựng môi trường giáo dục

9. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện

Thực hiện nghiêm túc các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh không bạo lực đối với trẻ em; thực hiện nội quy, quy tắc ứng xử trong nhà trường.

Chủ động phát hiện, phản ánh kịp thời, đề xuất và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ em, phòng, chống bạo lực học đường, chấn chỉnh các hành vi vi phạm nội quy, quy tắc ứng xử trong nhà trường.

Chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc tổ chức xây dựng môi trường vật chất và môi trường văn hóa, xã hội đảm bảo an toàn, lành mạnh, thân thiện đối với trẻ em.

10. Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường

Thực hiện các quy định về quyền trẻ em; các quy định về quyền dân chủ của bản thân, đồng nghiệp và cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em theo quy chế dân chủ trong nhà trường.

Đề xuất các biện pháp bảo vệ quyền trẻ em; phát huy quyền dân chủ của bản thân, cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em và đồng nghiệp trong nhà trường; phát hiện, ngăn chặn, đề xuất biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy chế dân chủ trong nhà trường (nếu có).

Hướng dẫn, hỗ trợ và phối hợp với đồng nghiệp trong việc thực hiện các quy định về quyền trẻ em; phát huy quyền dân chủ của bản thân, đồng nghiệp và cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em theo quy chế dân chủ trong nhà trường.

Tiêu chuẩn 4. Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng

11. Phối hợp với cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em và cộng đồng để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em

Xây dựng mối quan hệ gần gũi, tôn trọng, hợp tác với cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em và cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Phối hợp kịp thời với cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em và cộng đồng để nâng cao chất lượng các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ em.

Chia sẻ, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em và cộng đồng. Đề xuất các giải pháp tăng cường phối hợp giữa nhà trường với gia đình và cộng đồng.

12. Phối hợp với cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em và cộng đồng để bảo vệ quyền trẻ em

Xây dựng mối quan hệ gần gũi, tôn trọng, hợp tác với cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em và cộng đồng trong thực hiện các quy định về quyền trẻ em.

Chủ động phối hợp với cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em và cộng đồng để bảo vệ quyền trẻ em.

Chia sẻ, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng thực hiện các quy định về quyền trẻ em cho cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em và cộng đồng. Đề xuất các giải pháp tăng cường phối hợp với cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em và cộng đồng để bảo vệ quyền trẻ em; giải quyết kịp thời các thông tin từ cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ em liên quan đến quyền trẻ em.

Tiêu chuẩn 5. Sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc), ứng dụng công nghệ thông tin, thể hiện khả năng nghệ thuật trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em

13. Sử dụng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) hoặc tiếng dân tộc của trẻ em

Sử dụng được các từ ngữ, câu đơn giản trong giao tiếp bằng một ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh); hoặc giao tiếp thông thường bằng tiếng dân tộc đối với vùng dân tộc thiểu số.

Trao đổi thông tin đơn giản bằng một ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) với nội dung liên quan đến hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; hoặc giao tiếp thành thạo bằng tiếng dân tộc đối với vùng dân tộc thiểu số.

Viết và trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc bằng một ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) trong hoạt động chuyên môn về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; hoặc sử dụng thành thạo tiếng dân tộc đối với vùng dân tộc thiểu số.

14. Ứng dụng công nghệ thông tin

Sử dụng được các phần mềm ứng dụng cơ bản trong chăm sóc, giáo dục trẻ em và quản lý nhóm, lớp.

Xây dựng được một số bài giảng điện tử; sử dụng được các thiết bị công nghệ đơn giản phục vụ hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em và quản lý nhóm, lớp.

15. Thể hiện khả năng nghệ thuật trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em

Thể hiện được khả năng tạo hình, âm nhạc, múa, văn học nghệ thuật đơn giản trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhóm, lớp.

Vận dụng sáng tạo các loại hình nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, múa, văn học nghệ thuật đơn giản vào hoạt động chăm sóc, giáo dục phù hợp với trẻ em trong trường mầm non. Tổ chức các hoạt động ngày hội, lễ và hoạt động nghệ thuật cho trẻ em ở trường mầm non.

Xây dựng được môi trường giáo dục trẻ em giàu tính nghệ thuật trong nhóm, lớp và trường mầm non; chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp thể hiện khả năng nghệ thuật trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và xây dựng môi trường giáo dục trẻ em giàu tính nghệ thuật trong nhóm, lớp và trường mầm non.

2. Xếp loại kết quả đánh giá giáo viên mầm non cuối năm

Khoản 2 Điều 10 Thông tư 26 quy định về xếp loại kết quả đánh giá giáo viên mầm non cuối năm như sau:

- Đạt mức tốt: Có tất cả các tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, tối thiểu từ 2/3 số tiêu chí đạt mức tốt, các tiêu chí 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 đạt mức tốt;

- Đạt mức khá: Có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên, tối thiểu từ 2/3 số tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, các tiêu chí 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 đạt mức khá trở lên;

- Mức đạt: Có tất cả tiêu chí đều được đánh giá từ mức đạt trở lên;

- Chưa đạt: Có tiêu chí được đánh giá chưa đạt (tiêu chí không đáp ứng yêu cầu mức đạt).

Hướng dẫn đánh giá giáo viên mầm non cuối năm
Hướng dẫn đánh giá giáo viên mầm non cuối năm (Ảnh minh họa)

3. Quy trình đánh giá giáo viên mầm non cuối năm

Quy trình đánh giá giáo viên mầm non cuối năm quy định tại khoản 1 Điều 26:

- Giáo viên tự đánh giá bản thân theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non;

- Nhà trường tổ chức lấy ý kiến của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên được đánh giá;

- Hiệu trưởng thực hiện đánh giá và thông báo kết quả đánh giá giáo viên trên cơ sở kết quả tự đánh giá của giáo viên, ý kiến của đồng nghiệp và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của giáo viên thông qua các minh chứng phù hợp, xác thực.

Trên đây là các quy định về đánh giá giáo viên mầm non.

Để cập nhật các văn bản pháp luật mới nhất về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vui lòng tham gia Group VBPL - Giáo dục và Đào tạo của LuatVietnam
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.