Ly hôn, Đảng viên có bị xử lý kỷ luật không?

Đảng viên không chỉ phải tuân theo quy định của pháp luật mà còn phải thực hiện nghiêm ngặt theo Điều lệ Đảng năm 2011 và các văn bản liên quan. Vậy có khi nào Đảng viên ly hôn mà bị xử lý kỷ luật không?

Ly hôn là việc vợ hoặc chồng hoặc cả hai người yêu cầu Tòa án giải quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân khi mối quan hệ này lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Theo đó, khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành định nghĩa ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Đồng thời, với riêng đối tượng Đảng viên, ngoài chịu sự điều chỉnh của Luật Hôn nhân và Gia đình thì còn phải tuân thủ theo Điều lệ Đảng và Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 về xử lý kỷ luật Đảng viên.

Cụ thể, Đảng viên nếu vi phạm những quy định về hôn nhân và gia đình có thể bị xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc khai trừ ra khỏi Đảng. Đặc biệt, Quy định này nghiêm cấm Đảng viên thực hiện việc ly hôn trái pháp luật:

- Nếu gây ra hậu quả ít nghiêm trọng thì bị xử lý bằng hình thức khiển trách;

- Nếu tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ);

- Nếu gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

Đảng viên ly hôn có bị xử lý kỷ luật không? (Ảnh minh họa)

Trong đó, những hành vi bị coi là ly hôn trái pháp luật được nêu rõ tại Luật Hôn nhân và Gia đình. Cụ thể:

- Ly hôn giả tạo. Biểu hiện của hành vi này là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm chấm dứt quan hệ hôn nhân;

- Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn. Bởi ly hôn phải do hai bên tự nguyện quyết định và yêu cầu Tòa án giải quyết;

- Chồng yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

Như vậy, hiện nay không có quy định nào cấm Đảng viên không được ly hôn. Nhưng nếu Đảng viên vi phạm những quy định về ly hôn trái pháp luật đã nêu ở trên thì tùy vào từng mức độ, tính chất mà có thể bị kỷ luật bằng các hình thức từ khiển trách, cảnh cáo hay là khai trừ ra khỏi Đảng.

Không chỉ vậy, nếu Đảng viên bị đơn phương yêu cầu ly hôn khi có hành vi bạo lực gia đình với vợ hoặc chồng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia… thì sẽ bị xử lý kỷ luật vì hành vi bạo lực gia đình.

Hình thức xử lý với hành vi này được nêu tại Điều 32 Quy định 102 nêu trên. Căn cứ vào mức độ, tính chất thì Đảng viên vi phạm sẽ bị khiển trách, cảnh cáo hoặc khai trừ. Ngoài ra còn có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?

>> Mẫu Đơn ly hôn chuẩn của Tòa án và thủ tục ly hôn nhanh nhất

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục