Đảng viên làm mẹ đơn thân, có bị xử lý không?

Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình khẳng định: Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp Đảng viên sinh con và làm mẹ đơn thân thì sao?

Thế nào là "mẹ đơn thân"?

Đây là một cụm từ không còn quá xa lạ; thậm chí còn được coi như một xu hướng của những người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

Trên thực tế, mẹ đơn thân chỉ những người phụ nữ đang nuôi con khi đã góa chồng hoặc đã ly hôn và chưa tái hôn hoặc chưa từng có chồng. 

Trong phạm vi bài viết này, chỉ đề cập đến những trường hợp làm mẹ đơn thân khi chưa từng có chồng.


Khi Đảng viên làm mẹ đơn thân, liệu có bị xử lý? 


- Trong trường hợp có con với người khác:

Khi có con với người khác thì có thể người đó là một người độc thân khác hoặc là người đã có gia đình.

+ Với người độc thân khác

Tại Quy định 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm, không có quy định nào về việc xử lý luật với Đảng viên sinh con khi chưa đăng ký kết hôn. 

Do đó, trong trường hợp làm mẹ đơn thân khi có con với một người độc thân khác thì không bị xử lý. 

+ Với người đã có gia đình

Tại khoản 17 Mục I Quyết định 47-QĐ/TW năm 2011, vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, sống chung với người khác như vợ chồng là một trong những điều Đảng viên không được làm. Tương tự, trong Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng quy định: Đảng viên không được sống chung hoặc quan hệ như vợ chồng với người khác, kể cả khi Đảng viên chưa có vợ, có chồng hoặc đã có vợ hoặc có chồng.

Trong khi đó, khái niệm "sống chung với người khác như vợ chồng" được giải thích tại Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC như sau:

Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.
Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó
...

Như vậy, Đảng viên nữ có con - hệ quả của việc sống chung như vợ chồng với người đã có gia đình - thì được coi hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Theo Điều 24 Quy định 102-QĐ/TW, trong trường hợp này Đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng.

Không chỉ vậy, người này còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn còn phải chịu trách nhiệm hình sự.

  • Xử phạt hành chính: Bị phạt từ 300.000 đến 01 triệu đồng nếu người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ (Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP)
  • Chịu trách nhiệm hình sự: Chịu khung hình phạt cao nhất đến 03 năm tù theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đảng viên làm mẹ đơn thân, có bị kỷ luật không? (Ảnh minh họa)


Trong trường hợp có con bằng thụ tinh nhân tạo

Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP nêu rõ, người có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa gồm cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân.

Theo đó, pháp luật không hề cấm phụ nữ độc thân sinh con bằng thụ tinh trong ống nghiệm.

Bên cạnh đó, tại Quy định 102 năm 2017, không có quy định nào về xử lý Đảng viên sinh con khi chưa kết hôn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Do đó, nếu Đảng viên nữ sinh con bằng thụ tinh nhân tạo thì sẽ không bị xử ký kỷ luật Đảng.

>> Từ 01/7/2020, mức khen thưởng Đảng viên tăng mạnh

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục