Đảng viên dự bị: Những quy định cần nắm rõ

Sau nhiều bài viết về Đảng viên, độc giả của LuatVietnam muốn tìm hiểu cụ thể các khía cạnh khác nhau liên quan đến đối tượng Đảng viên dự bị. Bài viết dưới đây là tổng hợp những quy định cần nắm rõ về Đảng viên dự bị.

1. Đảng viên dự bị là ai?

Hiện nay, trong Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương không quy định định nghĩa Đảng viên dự bị là ai. Tuy nhiên, tại Điều 5 Điều lệ Đảng có đề cập đến việc người được kết nạp vào Đảng phải trải qua thời kỳ dự bị 12 tháng tính từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp.

Theo đó, có thể hiểu, Đảng viên dự bị là người được kết nạp vào Đảng nhưng chưa phải Đảng viên chính thức. Muốn trở thành Đảng viên chính thức, Đảng viên phải trải qua thời gian dự bị 12 tháng để rèn luyện, giáo dục, phấn đấu không ngừng.

Nếu có đủ tư cách Đảng viên thì sau thời gian dự bị 12 tháng, Đảng viên dự bị sẽ được xem xét, quyết định chuyển sang Đảng viên chính thức. Ngược lại, nếu không đủ tư cách Đảng viên thì sẽ bị xoá tên khỏi danh sách Đảng viên.

dang vien du bi

2. Những điều Đảng viên dự bị không được làm

Như phân tích ở trên, Đảng viên dự bị cũng là đối tượng đã được xem xét, kết nạp vào Đảng vì đã làm lễ kết nạp và chỉ khác với Đảng viên chính thức là phải trải qua thời gian dự bị 12 tháng. Sau thời gian này hoặc sẽ được công nhận Đảng viên chính thức hoặc bị xoá tên khỏi danh sách Đảng viên nếu không đủ tư cách Đảng viên.

Do đó, khi đã trở thành Đảng viên thì Đảng viên dự bị cũng phải tuân thủ các quy định nêu tại Quy định 37-QĐ/TW về những điều Đảng viên không được làm gồm 19 điều sau đây:

- Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Điều lệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định, Quy chế… của Đảng, làm những điều pháp luật cấm.

- Xuyên tạc chủ nghĩa Mác, Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vụ lợi, cơ hội, quan liêu, xa rời quần chúng…

- Không chấp hành nguyên tắc, hoạt động của Đảng…

- Viết bài, đăng, cung cấp, để lộ, tuyên truyền, phát tán… thông tin, tài liệu bí mật của Đảng, Nhà nước.

- Đăng bài, đưa tin, cung cấp tài liệu… sai sự thật mà không cải chính; những tác phẩm không lành mạnh, trái thuần phogn mỹ tục, ảnh hưởng xấu đến xã hội…

- Tố cáo bịa đặt, tố cáo giấu tên, mạo tên… hoặc đe doạ, trù dập… người khiếu nại, tố cáo…

Xem chi tiết 19 điều Đảng viên không được làm.

3. Đảng viên dự bị không có quyền gì?

Bên cạnh những điều Đảng viên dự bị không được làm thì do phải trải qua thời gian dự bị 12 tháng nên so với Đảng viên chính thức, Đảng viên dự bị chỉ có những quyền nêu tại Điều 3 Điều lệ Đảng gồm:

Điều 3. Đảng viên có quyền:

1. Được thông tin và thảo luận các vấn đề về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; biểu quyết công việc của Đảng.

2. Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

3. Phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời.

4. Trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình.

Đảng viên dự bị có các quyền trên đây, trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Như vậy, so với Đảng viên chính thức, Đảng viên dự bị chỉ không có quyền biểu quyết, quyền ứng cử và quyền bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng.

dang vien du bi

4. Đảng viên dự bị qua 12 tháng có được chuyển chính thức?

Khoản 2 Điều 5 Điều lệ Đảng khẳng định:

2. Khi hết thời kỳ dự bị, chi bộ xét công nhận đảng viên chính thức từng người một và biểu quyết như khi xét kết nạp; nếu không đủ tư cách đảng viên thì đề nghị lên cấp uỷ có thẩm quyền quyết định xoá tên trong danh sách đảng viên dự bị.

Theo quy định này, không phải sau khi đã trở thành Đảng viên dự bị thì sẽ mặc định trở thành Đảng viên chính thức. Sau thời gian dự bị 12 tháng, nếu đủ tư cách Đảng viên thì Đảng viên dự bị mới được xem xét công nhận Đảng viên chính thức. Ngược lại, nếu không đủ tư cách thì sẽ bị xoá tên trong danh sách Đảng viên dự bị.

5. Thủ tục chuyển chính thức của Đảng viên dự bị

Để được công nhận Đảng viên chính thức, Đảng viên dự bị thực hiện theo thủ tục, trình tự tại Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2021 gồm:

5.1 Hồ sơ

- Giấy chứng nhận học lớp bồi dưỡng Đảng viên mới.

- Bản tự kiểm điểm của Đảng viên dự bị.

- Bản nhận xét về Đảng viên dự bị từ Đảng viên chính thức được phân công giúp đỡ và của đoàn thể chính trị, xã hội nơi Đảng viên làm việc và chi uỷ nơi Đảng viên dự bị cư trú.

- Nghị quyết của chi bộ, Đảng uỷ cơ sở, Quyết định công nhận Đảng viên chính thức.

5.2 Các bước thực hiện

Bước 1: Đảng viên dự bị học lớp bồi dưỡng Đảng viên mới.

Bước 2: Đảng viên dự bị làm bản tự kiểm điểm sau 12 tháng dự bị.

Bước 3: Đảng viên chính thức và tổ chức chính trị, xã hội cùng chi uỷ nơi làm việc, cư trú làm bản nhận xét quá trình dự bị của Đảng viên dự bị.

Bước 4: Ra Nghị quyết quyết định công nhận Đảng viên chính thức hay xoá tên trong danh sách Đảng viên dự bị.

dang vi du bi

Xem thêm: Thủ tục kết nạp Đảng viên cập nhật mới nhất

6. Nhận xét Đảng viên dự bị như thế nào?

Theo Hướng dẫn 09 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khi xem xét kết nạp Đảng viên chính thức thì Đảng viên chính thức được phân công giáo dục Đảng viên dự bị phải thực hiện nhận xét.

Các nội dung phải thực hiện nhận xét gồm: Ưu điểm, nhược điểm của Đảng viên dự bị trong thời gian dự bị 12 tháng cùng lập trường tư tưởng, chính trị, nhận thức về Đảng, pháp luật của Nhà nước cùng đạo đức, lối sống; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Đảng viên dự bị trong 12 tháng thử thách.

Không chỉ bản nhận xét này được sử dụng khi Đảng viên dự bị chuyển sang chính thức mà nếu trong quá trình dự bị, Đảng viên dự bị chuyển công tác, nơi cư trú… dẫn đến chuyển sinh hoạt Đảng thì căn cứ vào bản nhận xét của Đảng viên chính thức để cơ sở Đảng mới phân công Đảng viên chính thức khác theo dõi, giúp đỡ người này.

Dưới đây là mẫu bản nhận xét của Đảng viên dự bị thường hay được sử dụng:

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

BẢN NHẬN XÉT
Đảng viên dự bị

Kính gửi: Chi ủy.………………………………

Tôi là:……………………………, sinh ngày ...... tháng ...... năm..............

Đang sinh hoạt tại Chi bộ ……………………

Ngày ...... tháng ...... năm.............. được Chi bộ phân công giúp đỡ Đảng viên dự bị: ……….  được kết nạp (hoặc kết nạp lại) vào Đảng ngày ...... tháng ...... năm.............. , phấn đấu trở thành Đảng viên chính thức; nay xin báo cáo Chi bộ những vấn đề chủ yếu của Đảng viên dự bị như sau:

Ưu điểm: ………………………………………

Khuyết điểm và những vấn đề cần lưu ý: …………………………………

Đối chiếu với tiêu chuẩn Đảng viên và kết quả phấn đấu rèn luyện của Đảng viên dự bị, tôi đề nghị Chi bộ xét, đề nghị công nhận đồng chí……… trở thành Đảng viên chính thức.

Tôi xin chịu trách nhiệm trước Đảng về lời nhận xét của mình.

……….., ngày ...... tháng ..... năm....

ĐẢNG VIÊN ĐƯỢC PHÂN CÔNG GIÚP ĐỠ

(ký, ghi rõ họ và tên)

7. Bản kiểm điểm của Đảng viên dự bị viết thế nào?

Bên cạnh bản nhận xét của Đảng viên chính thức thì khi chuyển Đảng viên dự bị sang chính thức, Đảng viên dự bị cần tự làm bản kiểm điểm. Tương tự như bản nhận xét của Đảng viên chính thức, Đảng viên dự bị làm kiểm điểm thì phải nêu bật được các nội dung sau đây:

- Ưu điểm, nhược điểm: Nêu những mặt tích cực, ưu điểm của mình đã đạt được trong thời gian rèn luyện, dự bị 12 tháng trước khi chuyển thành Đảng viên chính thức. Đồng thời, cũng mạnh dạn nêu những khuyết điểm, nhược điểm còn tồn tại của bản thân trong thời gian dự bị 12 tháng nêu trên.

Không chỉ nêu ưu, khuyết điểm, trong bản kiểm điểm của mình, Đảng viên dự bị có thể nêu những biện pháp khắc phục khuyết điểm cũng như biện pháp để tiếp tục phát huy những điểm mạnh, ưu điểm của mình.

- Đề nghị công nhận Đảng viên dự bị trở thành Đảng viên chính thức: Đây là mục đích của bản tự kiểm điểm Đảng viên. Căn cứ ưu điểm, nhược điểm của Đảng viên dự bị trong 12 tháng dự bị, Đảng viên dự bị phải tự cảm thấy bản thân mình có đủ tư cách Đảng viên và có thể được công nhận trở thành Đảng viên chính thức không.

Dưới đây là chi tiết bản tự kiểm điểm của Đảng viên dự bị:

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

BẢN TỰ KIỂM ĐIỂM

của Đảng viên dự bị

Kính gửi:

Chi bộ: ………………………………………………………

Đảng ủy: …………………………….…………………………

Tôi là: ……………, sinh ngày …… tháng …… năm ……

Quê quán: …………………………….……………………

Nơi ở hiện nay: ……………………….……………………

Được kết nạp vào Đảng ngày…tháng … năm… tại chi bộ:……………

Hiện công tác và sinh hoạt tại chi bộ…..…………………

Căn cứ tiêu chuẩn Đảng viên và quá trình tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu thực hiện nhiệm vụ Đảng viên, tôi tự kiểm điểm như sau:

Ưu điểm: ........................................................................

Khuyết điểm: .................................................................

Biện pháp khắc phục khuyết điểm: ................................

Tôi tự nhận thấy có đủ điều kiện trở thành Đảng viên chính thức. Đề nghị chi bộ xem xét, báo cáo cấp ủy cấp trên quyết định công nhận tôi là Đảng viên chính thức.

Tôi xin hứa luôn phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng viên, xứng đáng là người Đảng viên tốt của Đảng.

Địa danh, ngày …… tháng…… năm 20……

               NGƯỜI TỰ KIỂM ĐIỂM

8. Đảng viên dự bị có phải họp chi bộ không?

Theo quy định hiện hành tại Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, không có văn bản nào không cho phép Đảng viên dự bị sinh hoạt chi bộ. Đồng thời, Hướng dẫn 12 năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương còn hướng dẫn công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ cụ thể như sau:

Sinh hoạt thường kỳ: Buổi sinh hoạt thường kỳ thường sẽ diễn ra theo các bước sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị nội dung sinh hoạt cũng như dự thảo Nghị quyết hoặc dự kiến nội dung kết luận của buổi sinh hoạt thường kỳ.

Bước 2: Họp để thống nhất những nội dung: Sinh hoạt thường kỳ, đánh giá kết quả công tác trong tháng, dự kiến nhiệm vụ tháng sau, xác định các nội dung khác cần thảo luận, trao đổi, biểu quyết…

Bước 3: Thông báo thời gian, địa điểm, nội dung sinh hoạt đến Đảng viên và cấp uỷ viên cấp trên được phân công theo dõi chi bộ. Nếu có điều kiện, còn có thể gửi trước tài liệu để Đảng viên nghiên cứu, chuẩn bị nội dung phát biểu.

Bước 4: Họp sinh hoạt thường kỳ theo những nội dung đã trao đổi nêu trên.

Sinh hoạt chuyên đề: Sinh hoạt chuyên đề không giống sinh hoạt thường kỳ. Đây là buổi sinh hoạt được diễn ra hằng năm để thảo luận về chuyên đề cần sinh hoạt các bước thực hiện sinh hoạt chuyên đề gồm:

Bước 1: Xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề để thực hiện và báo cáo cấp trên.

Bước 2: Phân công Đảng viên biên tập, am hiểu nội dung chuyên đề nhằm chuẩn bị chuyên đề bằng văn bản.

Bước 3: Trao đổi về nội dung, yêu cầu, mục đích, phương pháp thực hiện chuyên đề với Đảng viên được phân công chuẩn bị trước bằng văn bản.

Bước 4: Tạo dự thảo chuyên đề và gửi đến chi uỷ hoặc bí thư chi bộ để thông qua và gửi cho Đảng viên trước khi tổ chức sinh hoạt.

Bước 5: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề theo những nội dung đã thực hiện ở trên.

Cần lưu ý rằng: Điều 8 Điều lệ Đảng khẳng định:

1. Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng; đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục mà không tiến bộ thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xoá tên trong danh sách đảng viên.

Do đó, nếu Đảng viên nói chung và Đảng viên dự bị nói riêng không tham gia sinh hoạt chi bộ trong năm mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị xem xét xoá tên trong danh sách Đảng viên.

Như vậy, Đảng viên dự bị cũng phải tham gia sinh hoạt chi bộ: Sinh hoạt thường kỳ và sinh hoạt chuyên đề.

dang vien du bi

9. Đảng viên dự bị vi phạm bị kỷ luật bằng hình thức nào?

Hình thức kỷ luật Đảng viên nói chung, Đảng viên dự bị nói riêng được nêu tại khoản 2 Điều 35 Điều lệ Đảng:

2. Hình thức kỷ luật:

- Đối với tổ chức Đảng: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán;

- Đối với Đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ;

- Đối với Đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.

Như vậy, so với Đảng viên chính thức, Đảng viên dự bị chỉ bị khiển trách và cảnh cáo mà không bị cách chức (nếu có chức vụ) và khai trừ khỏi Đảng. Chỉ khi không đủ tư cách Đảng viên thì Đảng viên dự bị mới bị xoá trên trong danh sách Đảng viên dự bị.

Mặc dù hình thức kỷ luật ít hơn nhưng về nguyên tắc, mọi Đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Khi xem xét kỷ luật Đảng viên, tổ chức Đảng căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân, động cơ của hành vi vi phạm cùng hoàn cảnh cụ thể, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, ý thức, thái độ tiếp thu và kết quả sửa chữa, khắc phục… để xem xét hình thức kỷ luật phù hợp.

Đặc biệt, khoản 10 Điều 9 Quy định 22 năm 2021 về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng có nêu rõ:

10. Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, khi hết thời hạn dự bị, chi bộ vẫn tiến hành xét công nhận Đảng viên chính thức. Nếu vi phạm đến mức không còn đủ tư cách Đảng viên thì xoá tên trong danh sách Đảng viên.

Theo quy định này, nếu trong thời gian dự bị, Đảng viên dự bị bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo thì vẫn tiếp tục được xét công nhận Đảng viên chính thức trừ trường hợp vi phạm đến mức không đủ tư cách Đảng viên thì sẽ bị xoá tên trong danh sách Đảng viên.

Trên đây là giải đáp chi tiết về Đảng viên dự bị. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết của các chuyên gia pháp lý của LuatVientam.

Đánh giá bài viết:
(8 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục