Công chức xin thôi việc theo nguyện vọng hưởng chế độ gì?

Thời gian gần đây, việc công chức xin thôi việc theo nguyện vọng diễn ra khá phổ biến và thường xuyên. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết các chế độ được hưởng trong trường hợp này.

1. Công chức có được xin thôi việc theo nguyện vọng không?

Điểm b khoản 1 Điều 59 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 nêu rõ:

Điều 59. Thôi việc đối với công chức

1. Công chức được hưởng chế độ thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

[…]

b) Theo nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý;

Đồng thời, Điều 3 Nghị định 46/2010/NĐ-CP cũng quy định một trong các trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc là khi công chức nghỉ việc theo nguyện vọng và được cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức có thẩm quyền đồng ý.

Như vậy, theo các quy định này, công chức hoàn toàn có quyền được xin nghỉ việc theo nguyện vọng. Tuy nhiên, nếu vì các lý do sau đây thì công chức sẽ không được giải quyết cho thôi việc:

- Đang luân chuyển, biệt phái, đang bị xem xét kỷ luật/truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết khi được xét tuyển với cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Chưa thanh toán xong các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của công chức với cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Đơn vị, cơ quan, tổ chức chưa bố trí được người thay thế hoặc do yêu cầu công tác mà không thể cho công chức nghỉ việc.

Như vậy, nếu có 04 lý do nêu trên, công chức sẽ không được xin nghỉ việc theo nguyện vọng. Và bắt buộc khi công chức xin nghỉ việc theo nguyện vọng, công chức phải làm đơn. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan, tổ chức, đơn vị:

- Đưa ra quyết định thôi việc bằng văn bản nếu đồng ý cho công chức nghỉ việc.

- Trả lời bằng văn bản để từ chối trong đó có nêu rõ lý do nếu không đồng ý cho công chức thôi việc.

cong chuc xin thoi viec theo nguyen vong

2. Mẫu đơn xin thôi việc theo nguyện vọng của công chức

Để được nghỉ việc, công chức có thể tham khảo một trong các mẫu đơn xin thôi việc như sau:

Mẫu số 1

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐƠN XIN NGHỈ VIỆC

Kính gửi: …….…

Tên tôi là: ………

Là công chức ngạch… thuộc phòng…. từ ……….tháng ….. năm ……

Nay tôi làm đơn này, kính xin cơ quan được thôi việc kể từ ngày ….

Lý do xin thôi việc: ……………………………………………………………….

Tôi đã bàn giao công việc cho: ….. Bộ phận: …..

Các công việc được bàn giao gồm: ………………

Tôi cam đoan đã bàn giao công việc lại cho bộ phận có liên quan trước khi nghỉ việc.

Rất mong cơ quan xem xét và chấp thuận cho tôi được phép thôi việc. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Mẫu số 2

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐƠN XIN THÔI VIỆC

Kính gửi: ……

Tôi tên: ………

Cấp bậc, chức vụ, nghề nghiệp: ………

Đơn vị làm việc: ………………………………

Xin được thôi việc kể từ ngày…….tháng…….năm 20…

Lý do nghỉ việc: ……

Tôi cam đoan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cho đến ngày tôi được phép nghỉ việc và hoàn tất mọi thủ tục bàn giao công việc, dụng cụ, tài sản cho……… có liên quan đến công việc tôi đảm nhiệm.

………, ngày … tháng… năm 20…

Ý kiến của Trưởng phòng                       Người làm đơn

3. Công chức xin thôi việc được hưởng chế độ gì?

Khoản 2 Điều 59 Luật Cán bộ, công chức quy định:

2. Công chức xin thôi việc theo nguyện vọng thì phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản, nếu không đồng ý cho thôi việc thì phải nêu rõ lý do; trường hợp chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý mà tự ý bỏ việc thì không được hưởng chế độ thôi việc và phải bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Điều 8 Nghị định 46/2010/NĐ-CP khẳng định:

Công chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc quy định tại Điều 5 Nghị định này và chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, công chức xin thôi việc theo nguyện vọng được hưởng chế độ thôi việc và các chế độ bảo hiểm xã hội khác. Tuy nhiên, nếu chưa được đồng ý mà tự ý nghỉ thì sẽ không được hưởng chế độ này và phải bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng nếu có.

Theo đó, các chế độ công chức được hưởng khi nghỉ việc là:

Trợ cấp thôi việc

Mức trợ cấp thôi việc của công chức được tính theo Điều 5 Nghị định 46/2010/NĐ-CP như sau:

- Cứ mỗi năm làm việc làm việc được tính bằng ½ tháng lương hiện hưởng.

- Mức thấp nhất bằng 01 tháng lương hiện hưởng.

Trong đó: Mức lương tính trợ cấp thôi việc của công chức gồm lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, thâm niên vượt khung, thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

Cách tính thời gian làm việc để tính mức trợ cấp thôi việc cho công chức được quy định gồm tổng thời gian tính theo năm có đóng bảo hiểm xã hội chưa nhận trợ cấp thôi việc/trợ cấp phục viên gồm các khoảng thời gian:

- Làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội.

- Làm việc trong quân đội, công an.

- Làm việc trong công ty Nhà nước.

- Làm việc theo chỉ tiêu biên chế được cơ quan giao trong tổ chức chính trị, xã hội, tôe chức xã hội…

- Được cơ quan, tổ chức cử đi đào tạo, bồi dưỡng.

- Nghỉ được hưởng lương; nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, dưỡng sức…

- Bị kỷ luật/chịu trách nhiệm hình sự mà đã được kết luận là oan, sai; bị tạm đình chỉ công tác; thời gian khi hưởng án treo, cải tạo không giam giữ…

Nếu thời gian này lẻ thì dưới 03 tháng sẽ không được tính; từ đủ 03 - 06 tháng thì tính bằng ½ năm làm việc; từ trên 06 - 12 tháng thì tính bằng 01 năm làm việc.

BHXH 1 lần

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, mức hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần của công chức nghỉ việc theo nguyện vọng được tính như sau:

Mức hưởng = (1,5 x Mbqtl x Thời gian đóng BHXH trước năm 2014) + (2 x Mbqtl x Thời gian đóng BHXH sau năm 2014)

Xem chi tiết cách tính BHXH 1 lần tại bài viết: Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần mới nhất

Trên đây là giải đáp về các vấn đề: Công chức xin thôi việc theo nguyện vọng được hưởng chế độ gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.