Hoãn cải cách tiền lương: Công chức, viên chức vẫn hưởng lợi?

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP, tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng. Do đó, chưa có bảng lương mới theo vị trí việc làm. Vậy, từ 01/7/2024 dù chưa cải cách tiền lương nhưng công chức, viên chức vẫn hưởng lợi?

1. Tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng

Ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP, tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Theo đó, căn cứ Nghị quyết 27-NQ/TW, do tăng lương cơ sở nên chưa thực hiện cải cách tiền lương bằng cách xây dựng các bảng lương mới theo vị trí việc làm bằng con số cụ thể nên từ 01/7/2024, công chức, viên chức tiếp tục hưởng lương theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.

Do đó, mức lương cán bộ, công chức, viên chức vẫn thực hiện theo công thức: Lương = Hệ số x Mức lương cơ sở.

Bởi mức lương cơ sở tăng 540.000 đồng/tháng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, tương đương 30%, hệ số vẫn được quy định tại phụ lục của Nghị định 204/2004/NĐ-CP nên lương cơ sở tăng kéo theo lương “cơ bản” của cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng theo.

Không chỉ thế, cán bộ, công chức, viên chức vẫn được áp dụng các loại phụ cấp theo lương cơ sở mà không bị bỏ hoặc gộp các khoản phụ cấp có tính chất giống nhau nếu cải cách tiền lương.

Do đó, không chỉ lương cán bộ, công chức, viên chức tăng mà các loại phụ cấp tính theo lương cơ sở và tính theo lương, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung cũng tăng tương ứng.

Như vậy, mặc dù không cải cách tiền lương nhưng do lương cơ sở tăng lên lương, phụ cấp cùng thu nhập chung của cán bộ, công chức, viên chức đều có xu hướng tăng so với thời điểm hiện tại.

Công chức, viên chức có lợi gì khi không cải cách tiền lương?
Công chức, viên chức có lợi gì khi không cải cách tiền lương? (Ảnh minh họa)

2. Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH từ 01/7/2024

Không chỉ lương cơ sở tăng mà tại Nghị định 75/2024/NĐ-CP còn có một số chính sách khác “có lợi hơn” cho cán bộ, công chức, viên chức dù không thực hiện cải cách tiền lương gồm:

- Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng ngân sách Nhà nước bảo đảm thêm 15%.

- Hỗ trợ thêm cho người về hưu trước 1995 có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì tăng:

  • Thêm 300.000 đồng/người/tháng: Nếu hưởng dưới 3,2 triệu đồng/người/tháng
  • Tăng lên 3,5 triệu đồng/tháng/người: Có mức hưởng từ 3,2 - dưới 3,5 triệu đồng/tháng/người.

3. Giáo viên vẫn hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo

Có lẽ đây là một trong những quy định nổi bật nhất khi so sánh giữa không cải cách tiền lương và cải cách tiền lương. Bởi theo tinh thần của Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, khi thực hiện cải cách tiền lương, phụ cấp thâm niên nghề của giáo viên sẽ được bãi bỏ.

Đặc biệt, tại Điều 76 của Luật Giáo dục 43/2019/QH14 cũng không còn quy định về loại phụ cấp này trong cơ cấu tiền lương như quy định trước đó mà giáo viên chỉ còn được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề.

Dù vậy, khi chưa thực hiện bảng lương mới bằng số tiền cụ thể theo vị trí việc làm và chưa sắp xếp các khoản phụ cấp như tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW thì giáo viên vẫn tiếp tục hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định của Nghị định 77/2021/NĐ-CP.

Đồng thời, khoản 2 Điều 6 Nghị định 77 này khẳng định:

Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 01/7/2020 cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới theo quy định của Chính phủ

Như vậy, căn cứ các quy định trên, do cải cách tiền lương đang tạm hoãn nên giáo viên vẫn hưởng phụ cấp thâm niên cùng với cách xếp lương mới tại chùm 04 Thông tư mới từ 20/3/2021, thu nhập của giáo viên tăng hơn so với trước đây rất nhiều.

Xem thêm đối tượng, mức hưởng và thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên của nhà giáo tại bài viết dưới đây: Phụ cấp thâm niên nhà giáo: Quy định mới nhất theo Nghị định 77

Chưa cải cách nhưng công chức, viên chức được hưởng thêm tiền thưởng
Chưa cải cách nhưng công chức, viên chức được hưởng thêm tiền thưởng (Ảnh minh họa)

4. Công chức, viên chức được hưởng thêm thưởng, thu nhập đặc thù

Theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW, khi cải cách tiền lương sẽ bổ sung tiền thưởng vào cơ cấu tiền lương của công chức, viên chức và bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của công chức, viên chức có được từ nguồn ngân sách Nhà nước như tiền bồi dưỡng họp, tiền xây dựng văn bản, đề án, hội thảo...

Tuy nhiên, dù chưa thực hiện các bảng lương mới theo vị trí việc làm nhưng Chính phủ đã quy định chế độ tiền thưởng từ 01/7/2024.

Cụ thể, thực hiện chế độ tiền thưởng 10% quỹ lương không bao gồm phụ cấp cho người có thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm.

Về cơ chế đặc thù, tại Nghị quyết 40 ngày 13/11/2021, Quốc hội đã giao Chính phủ tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù cho đến khi thực hiện cải cách tiền lương.

Đồng thời, tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP, khi chưa sửa đổi, bãi bỏ cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương thì thực hiện cơ chế này theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2024 đảm bảo không vượt quá mức tiền lương, thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024.

Trong đó, khoản tiền này không bao gồm phần tiền lương, thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương theo ngạch, bậc do nâng ngạch, nâng bậc. Nếu số tiền nhận được thấp hơn mức tiền lương đang hưởng chung thì thực hiện theo chế độ tiền lương chung.

5. Nhiều khoản phụ cấp vẫn được giữ lại

Bởi việc giữ lại lương cơ sở và chưa thực hiện sắp xếp các khoản phụ cấp nên từ 01/7/2024, công chức, viên chức vẫn được hưởng các khoản phụ cấp mà không bị sắp xếp theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW gồm:

- Không bị gộp các khoản phụ cấp:

  • Phụ cấp gồm phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp độc hại, nguy hiểm;
  • Phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút, trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

- Không bị bãi bỏ các khoản phụ cấp: THâm niên nghề; Phụ cấp chức vụ lãnh đạo; Phụ cấp công tác Đảng đoàn thể chính trị, xã hội; Phụ cấp công vụ; Phụ cấp độc hại, nguy hiểm.

Như vậy, so với các khoản phụ cấp sau khi cải cách, hiện nay, công chức, viên chức được hưởng nhiều khoản phụ cấp hơn.

Xem thêm: Toàn bộ điểm mới của Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương

Trên đây là một số quan điểm về vấn đề: Công chức, viên chức có lợi gì khi không cải cách tiền lương? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Tiền thưởng của giáo viên tăng bao nhiêu khi lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng?

Tiền thưởng của giáo viên tăng bao nhiêu khi lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng?

Tiền thưởng của giáo viên tăng bao nhiêu khi lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng?

Mức lương cơ sở là căn cứ để tính thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức trong đó có giáo viên là viên chức tại các trường công lập. Vậy, tiền thưởng của giáo viên tăng bao nhiêu sau 01/7/2024 khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng?