Công chức, viên chức là một trong những bộ phận có số lượng khá lớn ở nước ta. Vậy từ 01/8/2021 tới đây, nhóm đối tượng này sẽ có những quy định mới nào cần lưu ý?
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức văn thư, hành chính
Đây là một trong những thông tin quan trọng sẽ áp dụng với cả công chức hành chính và công chức văn thư. Bởi trước đó, theo Công văn 2499, Bộ Nội vụ đề xuất giảm các chứng chỉ sau đây cho công chức, viên chức:
- Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của 74 ngạch công chức.
- Cắt giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của công chức văn thư, công chức hành chính, thư ký thi hành án, thư ký trung cấp thi hành án…
Với riêng công chức hành chính, văn thư hai trong số các chứng chỉ được bãi bỏ là chứng chỉ tin học và chứng chỉ ngoại ngữ. Tuy nhiên, công chức hai chuyên ngành này phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm tương đương bậc 3.
Đã có xếp lương công chức văn thư trình độ cao đẳng
Tại Thông tư 02/2021/TT-BNV, Bộ Nội vụ quy định cụ thể cách xếp lương của công chức văn thư trung cấp nhưng có trình độ cao đẳng trở lên. Khi đó, công chức này sẽ được xếp lương bậc 2 của ngạch văn thư trung cấp có hệ số lương bắt đầu là 2,06 mà không phải là 1,86 tương đương với bậc 1. (trước đây, không có quy định).
Không chỉ vậy, thời gian công chức văn thư giữ ngạch cũ để nâng lên ngạch mới cũng có sự thay đổi so với trước đây. Cụ thể:
- Ngạch Văn thư viên chính: Giữ ngạch văn thư viên và tương đương từ đủ 09 năm trở lên. Trong khi đó quy định cũ đang là giữ ngạch văn thư hoặc tương đương từ đủ 05 năm (60 tháng) trở lên và thời gian giữ ngạch văn thư tối thiểu đủ 03 năm.
- Ngạch Văn thư viên: Phân biệt theo từng trình độ đào tạo hiện giữ như tuyển dụng lần đầu có trình độ trung cấp thì thời gian này là tối thiểu 03 năm, cao đẳng thì thời gian này là đủ 02 năm trở lên… (quy định cũ chỉ yêu cầu chung là có thời gian giữ ngạch văn thư trung cấp tối thiểu đủ 03 năm).
Công chức, viên chức cần lưu ý 5 quy định mới từ 01/8/2021 (Ảnh minh họa)
Sửa tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên
Một trong những vấn đề không chỉ công chức, viên chức mà người lao động trong các doanh nghiệp rất quan tâm là lương, thưởng. Theo đó, từ 15/8/2021, khi Thông tư 03/2021/TT-BNV có hiệu lực, tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên của công chức, viên chức đã bị sửa đổi.
Cụ thể, tiêu chuẩn 1 khi cán bộ, công chức được nâng lương đã được sửa đổi thành “được đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên” trong khi trước đó, quy định này là “được đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên”.
Quy định này nhằm thống nhất giữa các tiêu chuẩn dùng để đánh giá cán bộ, công chức nói chung nêu tại Luật Cán bộ, công chức sửa đổi năm 2019.
Ngoài ra, tiêu chuẩn còn lại của công chức vẫn được thực hiện theo quy định hiện nay là “không bị kỷ luật bằng một trong các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức”.
Ngoài ra, Thông tư này cũng bổ sung thêm thời gian công chức, viên chức tham gia phục vụ tại ngũ vào thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên. Đồng thời, cũng bổ sung 04 khoảng thời gian không xét nâng bậc lương gồm:
- Thời gian tập sự.
- Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
- Thời gian thử thách với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
- Thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu.
Quy định mới về phụ cấp thâm niên vượt khung
Nội dung đáng chú ý về phụ cấp thâm niên vượt khung của công chức, viên chức có hiệu lực trong tháng 8/2021 là sửa quy định kéo dài thời gian hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung khi cán bộ, công chức, viên chức không đạt đủ tiêu chuẩn hưởng phụ cấp này. Cụ thể:
Trước đây, thời gian hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung của công chức, viên chức không đạt tiêu chuẩn theo thông báo hoặc quyết định bị kéo dài 01 năm (đủ 12 tháng) trong trường hợp:
- Nếu đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch/chức danh nhưng không đạt tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung.
- Đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nhưng kể từ ngày tính hưởng lần sau lại không đạt tiêu chuẩn hưởng loại phụ cấp này.
Từ 15/8/2021, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật sẽ kéo dài thời gian hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung như các trường hợp kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên. Cụ thể:
- Không hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm;
- Bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, giáng chức hoặc cách chức.
Trong khi đó, thời gian hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bị kéo dài có thể là 12 tháng, 06 tháng hoặc 03 tháng tùy từng trường hợp cụ thể.
Tiêu chuẩn thăng hạng của viên chức Thông tin và Truyền thông
Không giống trước đây, các quy định về viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông được quy định rời rạc tại nhiều văn bản hướng dẫn khác nhau thì nay, từ 15/8/2021, tại Thông tư 03/2021/TT-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy định thông nhất tiêu chuẩn thi thăng hạng của đối tượng này.
Cụ thể, tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng của viên chức chuyên ngành này như sau:
Thi thăng hạng | Xét thăng hạng |
- Được cấp có thẩm quyền cử dự thi thăng hạng. - Đang giữ hạng thấp hơn liền kề với hạng dự thi. - Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề với năm nộp hồ sơ; - Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật. - Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác - Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ hạng dưới liền kề:
| - Đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn thi thăng hạng. - Có thành tích xuất sắc như sau:
|
Trên đây là tổng hợp các quy định công chức, viên chức cần lưu ý từ ngày 01/8/2021. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.