Buộc thôi việc là một trong những hình thức kỷ luật công chức theo quy định hiện nay. Vậy có phải công chức có hành vi vi phạm trong khi xử phạt hành chính sẽ bị buộc thôi việc?
Các trường hợp công chức bị kỷ luật buộc thôi việc
Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức, buộc thôi việc là một trong những hình thức kỷ luật với công chức.
Trong đó, công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, theo quy định của Luật thì công chức sẽ đương nhiên bị buộc thôi việc nếu thuộc một trong hai trường hợp:
- Bi Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo;
- Bị kết án về tội phạm tham nhũng.
Đồng thời, để quy định chi tiết hơn, tại Điều 14 Nghị định 34/2011/NĐ-CP, Chính phủ nêu 04 trường hợp công chức bị buộc thôi việc nếu vi phạm gồm:
- Bị phạt tù không được hưởng án treo;
- Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;
- Tự ý nghỉ việc với tổng số ngày từ 07 ngày làm việc trở lên trong 01 tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong 01 năm mà đã được cơ quan thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp;
- Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng chống tệ nạn mại dâm…
Như vậy, nếu công chức thuộc một trong các trường hợp được nêu ở trên thì sẽ bị kỷ luật buộc thôi việc.
Công chức vi phạm khi xử phạt hành chính sẽ bị buộc thôi việc? (Ảnh minh họa)
Vi phạm khi xử phạt hành chính, công chức bị buộc thôi việc?
Theo phân tích ở trên, công chức bị buộc thôi việc nếu vi phạm một trong các hình thức trên. Riêng với những công chức làm trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, Điều 29 Nghị định 19 năm 2020 quy định, công chức sẽ bị buộc thôi việc nếu vi phạm các trường hợp sau:
- Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính;
- Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
- Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễm, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.
Trong đó, thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của cán bộ, công chức có hành vi vi phạm là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.
Đặc biệt, việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ hình thức kỷ luật được áp dụng trong trường hợp hành vi vi phạm do hoàn cảnh khách quan hoặc do lỗi của đối tượng vi phạm hành chính.
Như vậy, không phải mọi trường hợp công chức vi phạm trong khi xử phạt hành chính sẽ bị buộc thôi việc mà tùy mức độ, tính chất và các tình tiết tặng nặng, giảm nhẹ, công chức có thể phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc theo quy định tại Nghị định 19 năm 2020 nêu trên.
Để theo dõi thêm các hình thức kỷ luật khác dành cho công chức, độc giả có thể xem thêm tại bài viết dưới đây: