4 trường hợp công chức được xin từ chức
Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm (Căn cứ Điều 7 Luật Cán bộ, công chức mới nhất).
Theo đó, Điều 54 Luật Cán bộ công chức nêu rõ 04 trường hợp công chức được từ chức gồm: Không đủ sức khỏe; Không đủ năng lực, uy tín; Theo yêu cầu nhiệm vụ; Vì lý do khác.
Để hướng dẫn rõ hơn, Điều 42 Nghị định số 24/2010 nêu rõ, công chức được từ chức trong các trường hợp:
- Tự nguyện, chủ động xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý;
- Nhận thấy bản thân không đủ sức khỏe, năng lực, uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao;
- Nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình;
- Có nguyện vọng xin từ chức vì các lý do cá nhân khác.
Đặc biệt: Nếu chưa có quyết định cho từ chức, công chức vẫn phải thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.
Xem thêm: Công chức được và không được từ chức trong trường hợp nào?
Công chức từ chức được hưởng chế độ thế nào? (Ảnh minh họa)
Công chức từ chức vẫn được bảo lưu phụ cấp chức vụ?
Hiện nay, phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang được tính theo công thức:
Phụ cấp chức vụ lãnh đạo = Lương cơ sở x hệ số phụ cấp chức vụ hiện hưởng.
Trong đó:
Mức lương cơ sở từ 01/7/2019 đã tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng;
Hệ số phụ cấp chức vụ hiện hưởng được quy định cụ thể cho từng đối tượng tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
Lúc này, đối với công chức đã từ chức thì theo Điều 44 Nghị định 24/2010 của Chính phủ, mức phụ cấp chức vụ được tính như sau:
STT | Trường hợp | Mức phụ cấp kể từ ngày có quyết định từ chức |
1 | - Không đủ sức khỏe, năng lực, uy tín; - Tự nguyện, chủ động xin từ chức. | - Bảo lưu phụ cấp hiện hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ; - Bảo lưu trong 06 tháng nếu có thời hạn giữ chức vụ dưới 06 tháng. |
2 | - Nhận ra sai phạm, khuyết điểm của người khác có liên quan đến trách nhiệm của mình; - Vì lý do cá nhân. | Bảo lưu phụ cấp chức vụ trong thời gian 06 tháng. |
Như vậy, có thể thấy nếu công chức từ chức và đã có quyết định của cấp có thẩm quyền thì vẫn được bảo lưu phụ cấp chức vụ. Thời gian bảo lưu tùy vào lý do xin từ chức và thời gian đã giữ chức vụ trước đó.
Sau khi từ chức, công chức đó sẽ được phân công công tác khác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và trình độ, năng lực. Lúc này, công chức sẽ được hưởng lương và phụ cấp phù hợp với vị trí việc làm của mình.
>> Cách tính lương, phụ cấp của cán bộ, công chức từ 1/7/2019
Nguyễn Hương