Cấm nhận phong bì dưới mọi hình thức?
Điều 25 Nghị định 59/2019/NĐ-CP nêu rõ:
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Như vậy, theo quy định này, bất cứ quà tặng nào, cán bộ, công chức, viên chức - người có chức vụ, quyền hạn đều không được nhận, dù trực tiếp hay gián tiếp từ người có liên quan đến công việc của mình.
Trong đó, quà tặng có thể bao gồm: tiền, giấy tờ có giá, hiện vật, dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong và người nước; động thực vật, thực phẩm tươi, sống hoặc bất cứ quà tặng nào khác (trong phạm vi bài viết có thể sử dụng cụm từ phong bì cho quà tặng ở trường hợp này).
Như vậy, có thể thấy rằng, việc công chức nhận phong bì dù dưới hình thức nào, “vòi tiền”, nhận “lót tay” để giải quyết công việc hay nhận phong bì “cảm ơn” cũng đều là hành vi bị nghiêm cấm và phải từ chối nhận dưới mọi hình thức.
Nếu không từ chối được, cán bộ, công chức, viên chức phải xử lý theo quy định tại Điều 27 Nghị định 59 năm 2019:
- Quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá: Nộp cho Thủ trưởng cơ quan để bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách nhà nước.
- Quà tặng bằng hiện vật:
- Xác định giá trị quà tặng: Theo giá của người tặng cung cấp hoặc theo giá thị của quà tặng tương tự được bán trên thị trường. Không xác định được thì đề nghị cơ quan chức năng xác định giá.
- Quyết định bán và tổ chức bán quà tặng công khai.
- Nộp số tiền thu được vào ngân sách Nhà nước sau khi đã trừ đi các khoản chi phí xử lý quà tặng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bán quà tặng.
- Quà tặng là dịch vụ thăm quan, du lịch…: Thông báo về việc không sử dụng những dịch vụ này.
- Quà tặng là động vật, thực vật, thực phẩm tươi sống…: Căn cứ tình hình cụ thể để xử lý.
Nghiêm cấm công chức nhận phong bì từ những người có liên quan đến công việc (Ảnh minh họa)
Công chức nhận phong bì bị xử phạt như thế nào?
Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng, công chức có hành vi nhận phong bì của dân sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.
Xử lý kỷ luật
Căn cứ Nghị định 112/2020/NĐ-CP, công chức khi nhận phong bì trái quy định sẽ bị kỷ luật bằng các hình thức sau đây:
STT | Mức kỷ luật | Hành vi |
Công chức tham nhũng | ||
1 | Khiển trách | - Vi phạm lần đầu. - Gây hậu quả ít nghiêm trọng. |
2 | Cảnh cáo | - Đã bị kỷ luật bằng khiển trách mà còn tái phạm hoặc. - Vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng. |
3 | Giáng chức | - Đã bị kỷ luật cảnh cáo mà tái phạm. - Vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng. |
4 | Cách chức | - Đã bị giáng chức mà tái phạm hoặc. - Vi phạm lần đầu và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị buộc thôi việc. công chức tham nhũng có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. |
5 | Buộc thôi việc | - Đã bị cách chức mà tái phạm. Vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. |
Chịu trách nhiệm hình sự
Căn cứ Điều 354 của Bộ luật Hình sự 2015 về Tội nhận hối lộ, 02 triệu đồng được coi là ranh giới để xử lý hình sự đối với người có hành vi tham nhũng.
Theo Điều luật này, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 02 - dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm… thì bị phạt tù từ 02 - 07 năm.
Nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng hơn, công chức có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.
Trên đây là thông tin về việc công chức nhận phong bì bị xử phạt thế nào? Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được giải đáp chi tiết, hỗ trợ.