Muốn nghỉ việc, công chức phải báo trước bao lâu?

Không ít người lao động nói chung, công chức nói riêng trong quá trình làm việc vì nhiều nguyên nhân bắt buộc phải xin nghỉ việc. Vậy nếu có nguyện vọng nghỉ việc, công chức phải báo trước bao nhiêu thời gian?


Công chức phải báo trước 30 ngày khi muốn thôi việc?

Điều 59 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định công chức được xem xét cho thôi việc do sắp xếp tổ chức hoặc khi có nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý.

Theo đó, khi muốn được nghỉ việc thì bắt buộc công chức phải đáp ứng các điều kiện:

- Có đơn xin thôi việc gửi đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền để nơi này xem xét, quyết định;

- Phải có sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 59 nêu trên, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đơn, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải trả lời bằng văn bản về việc có đồng ý cho công chức đó nghỉ việc không.

Như vậy, khi muốn thôi việc, công chức phải báo trước ít nhất 30 ngày để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thời gian xem xét và quyết định. Nếu không đồng ý cho công chức nghỉ việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị này phải nêu rõ lý do.

Ngoài ra, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây, công chức sẽ không được giải quyết thôi việc:

- Công chức đang trong thời gian thực hiện luân chuyển, biệt phái, đang bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Công chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với cơ quan, tổ chức, đơn vị khi được xét tuyển;

- Công chức chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân với cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Do yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc chưa bố trí được người thay thế.

Xem thêm: Đơn xin nghỉ việc chuyên nghiệp nhất 2021

Công chức muốn nghỉ việc phải báo trước bao lâu? (Ảnh minh họa)


Công chức xin nghỉ việc có được hưởng chế độ thôi việc không?

Cũng tại quy định tại Điều 59 Luật Cán bộ, công chức nêu trên, công chức có nguyện vọng nghỉ việc và được cấp có thẩm quyền đồng ý thì được hưởng chế độ thôi việc.

Tuy nhiên, nếu khi gửi đơn xin thôi việc mà không được cơ quan, tổ chức, đơn vị đồng ý và tự ý bỏ việc thì không được hưởng chế độ thôi việc. Thậm chí, nếu được đào tạo, bồi dưỡng trước đó thì còn phải bồi thường các chi phí này theo quy định của pháp luật.

Về trợ cấp thôi việc, Điều 5 Nghị định 46/2010/NĐ-CP nêu rõ, mức hưởng trợ cấp thôi việc bằng ½ tháng lương hiện hưởng gồm mức lương theo ngạch; phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

Trong đó, mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 tháng lương hiện hưởng.

Thời gian để tính hưởng trợ cấp thôi việc là tổng thời gian tính theo năm có đóng bảo hiểm xã hội chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp phục viên, gồm:

- Thời gian làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;

- Thời gian làm việc trong quân đội và công an nhân dân;

- Thời gian được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi đào tạo, bồi dưỡng…

Trong đó, nếu có tháng lẻ thì dưới 03 tháng không tính vào thời gian làm việc; từ 03 - 06 tháng được tính bằng ½ năm làm việc; từ 06 - 12 tháng thì tính bằng 01 năm làm việc.

Đáng lưu ý: Nếu thời gian làm việc bị đứt quãng thì được cộng dồn.

Trên đây là quy định về thời gian phải báo trước khi công chức muốn nghỉ việc theo nguyện vọng. Để xem thêm các trường hợp công chức được và không được từ chức, quý độc giả có thể đọc thêm bài viết:

 >> Công chức được và không được từ chức trong trường hợp nào?

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục