Kiểm định chất lượng đầu vào, công chức được cấp giấy chứng nhận?

Để tăng hiệu quả trong việc tuyển dụng công chức, sắp tới đây khi muốn thi tuyển vào công chức, người dự thi phải kiểm định chất lượng đầu vào. Vậy nếu đạt kết quả sau khi kiểm định, người dự thi sẽ được gì?


Công chức phải kiểm định chất lượng đầu vào trước thi tuyển?

Về việc đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ, Nghị quyết 26-NQ/TW nhấn mạnh:

Thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực.

Để cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết này, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã bổ sung quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Cụ thể, tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi nêu rõ:

Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả

Cũng theo quy định tại Luật sửa đổi, những trường hợp sau đây sẽ không phải thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào:

- Các đối tượng được xét tuyển vào công chức: Người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; Người học theo chế độ cử tuyển sau đó về công tác tại địa phương cử đi học; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc; nhà khoa học trẻ tài năng;

- Các trường hợp tuyển dụng đặc biệt: Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ, công chức cấp xã; người hưởng lương trong quân đội, công an, cơ yếu nhưng không phải công chức… (theo khoản 5 Điều 1 sửa đổi Điều 27 Luật Cán bộ, công chức năm 2008).

Như vậy, có thể thấy, trừ những người được xét tuyển hoặc tuyển dụng đặc biệt vào công chức thì các đối tượng thi tuyển vào công chức từ 01/7/2020 - thời điểm Luật sửa đổi năm 2019 chính thức có hiệu lực đều phải thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào.

Xem thêm

Công chức kiểm định chất lượng đầu vào

Công chức kiểm định chất lượng đầu vào được cấp giấy chứng nhận? (Ảnh minh họa)

Được cấp giấy chứng nhận khi kiểm định chất lượng đầu vào?

Hiện nay, thi tuyển công chức được thực hiện theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP với quy trình 02 vòng, trong đó vòng 1 có thể coi là vòng kiểm định chất lượng đầu vào:

- Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên máy tính các môn kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học. Nếu trả lời đúng từ 50% câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì được thi tiếp vòng 2.

- Vòng 2: Thi nghiệp vụ chuyên ngành bằng hình thức phỏng vấn hoặc thi viết. Việc quyết định hình thức thi do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Xem thêm

Sắp tới đây, khi Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực, công chức được tuyển dụng phải kiểm định chất lượng đầu vào. Và hiện, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Theo đó, có 02 phương án thực hiện lộ trình kiểm định chất lượng đầu vào công chức gồm:

Phương án 1: Thực hiện theo diện rộng với quy trình 02 bước:

- Bước 1: Thí sinh đủ điều kiện nộp đơn đăng ký dự tuyển cho đơn vị kiểm định chất lượng đầu vào công chức;

- Bước 2: Đơn vị kiểm định tổ chức kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho thí sinh đạt điều kiện.

Khi người dự tuyển trả lời đúng từ 50% câu hỏi trở lên cho mỗi phần thi thì được cấp giấy chứng nhận. Đây cũng là cơ sở để cơ quan tuyển dụng thực hiện bước tiếp theo trong quy trình tuyển dụng.

Đặc biệt: Giấy này có giá trị trong vòng 12 tháng kể từ ngày cấp để thí sinh đăng ký tuyển dụng vòng 2 và có giá trị trong phạm vi cả nước, cho tất cả các vị trí tuyển dụng.

Phương án 2: Kiểm định chất lượng đầu vào theo đề nghị của cơ quan, đơn vị tuyển dụng với quy trình gồm 03 bước:

- Bước 1: Căn cứ kế hoạch, sau khi thông báo tuyển dụng, nhận và thẩm định hồ sơ đăng ký, cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng công chức lập danh sách thí sinh đủ điều kiện, miễn thi ngoại ngữ, miễn thi tin học.

- Bước 2: Thực hiện kiểm định.

- Bước 3: Kết quả được gửi về Hội đồng tuyển dụng để xác định người dự tuyển thi tiếp vòng 2 và gửi về Bộ Nội vụ để theo dõi.

Sau khi có kết quả, thí sinh được cấp giấy chứng nhận trong vòng 05 ngày làm việc.

Hiện Đề án này đang được lấy ý kiến đến hết ngày 28/7/2020. Nếu được thông qua thì dù thực hiện theo phương án nào, công chức vượt qua kỳ kiểm tra chất lượng đầu vào cũng đều được cấp Giấy chứng nhận.

Về lộ trình kiểm định chất lượng đầu vào công chức, độc giả xem thêm ở bài viết sau đây:

>> Từ năm 2021, bắt đầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức?

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Tại dự thảo Nghị định mới đây, Bộ Quốc phòng đã đề xuất quy định mới về tiêu chí, tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn. Theo dõi bài viết dưới đây để có thông tin cụ thể.