3 lưu ý công chức cần biết khi được cử đi học ở nước ngoài

Để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, công chức được cơ quan, đơn vị cử đi nước ngoài đào tạo, bồi dưỡng. Vậy công chức được cử đi nước ngoài học tập cần lưu ý gì?


1/ Điều kiện công chức được cử đi học ở nước ngoài

Theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, công chức có quyền được bảo đảm các điều kiện để thực hiện công vụ như được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

Căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, nhằm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị, công chức nếu đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 32 Nghị định 101/2017/NĐ-CP sẽ được cử đi bồi dưỡng, đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước:

- Không trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật hoặc thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên;

- Không thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh, nhập cảnh: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan; vì bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội … (theo Điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP);

- Phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong năm trước liền kề;

- Chuyên môn, nghiệp vụ của công chức được cử đi bồi dưỡng phù hợp với nội dung của khóa bồi dưỡng;

- Có sức khỏe bảo đảm đáp ứng yêu cầu của khóa bồi dưỡng.

Đồng thời, tùy vào thời gian của từng khóa bồi dưỡng ở nước ngoài, công chức còn phải đáp ứng thêm một số điều kiện về tuổi công tác như sau:

- Với khóa bồi dưỡng có thời gian dưới 01 tháng: Còn đủ tuổi để công tác ít nhất là 18 tháng tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu;

- Với khóa bồi dưỡng có thời gian từ 01 tháng trở lên: Còn đủ tuổi để công tác ít nhất là 02 năm tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu.

công chức được cử đi học ở nước ngoài

3 lưu ý phải biết khi công chức được cử đi học ở nước ngoài (Ảnh minh họa)


2/ Đi học ở nước ngoài, công chức phải báo cáo kết quả

Đây là yêu cầu được quy định tại Điều 9 Thông tư 01/2018/TT-BNV hướng dẫn chi tiết Nghị định 101 năm 2017. Theo đó, công chức được cử đi học tập ở nước ngoài phải có trách nhiệm và nhiệm vụ như sau:

- Chấp hành đầy đủ quy định về quản lý đoàn và công chức đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài; tuân thủ sự chỉ đạo của trưởng đoàn;

- Chấp hành luật pháp, tôn trọng phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của nước đến học tập, nội quy của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và cơ sở lưu trú;

- Báo cáo kết quả học tập. Trong đó, công chức phải nêu rõ được các nội dung sau đây trong báo cáo:

  • Họ tên, năm sinh;
  • Chức danh, chức vụ, cơ quan công tác, số điện thoại liên lạc, địa chỉ thư điện tử;
  • Kết quả thực hiện và nhận xét, đánh giá về nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian và công tác tổ chức khóa bồi dưỡng;
  • Những kiến thức, kinh nghiệm đã tiếp thu, đề xuất vận dụng vào công tác chuyên môn, quản lý điều hành của cơ quan, đơn vị đang công tác;
  • Đề xuất và kiến nghị về công tác bồi dưỡng công chức ở nước ngoài.

Đáng lưu ý: Nếu công chức không thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ nêu trên; không chấp hành quy định về bảo vệ chính trị nội bộ, kỷ luật phát ngôn, giữ bí mật Nhà nước, về nước không đúng hạn… thì tùy vào tính chất, mức độ sẽ bị kỷ luật theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức.


3/ Vẫn được đóng BHXH khi được cử đi học ở nước ngoài

Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH, công chức được cử đi học, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương ở trong nước thì thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bên cạnh đó, tại Điều 49 Luật Cán bộ, công chức, công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng được hưởng nguyên lương và phụ cấp; thời gian này còn được tính vào thâm niên công tác liên tục, được xét tăng lương theo quy định.

Đặc biệt, nếu đạt kết quả xuất sắc trong khóa đào tạo, bồi dưỡng, công chức còn được biểu dương, khen thưởng.

Đồng thời, theo Điều 27 Nghị định 101, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài được hưởng quyền lợi theo quy định của pháp luật và quy chế của cơ quan, đơn vị.

Do đó, căn cứ các quy định trên, nếu công chức nào được cử đi nước ngoài học tập, bồi dưỡng và vẫn được hưởng lương thì thuộc đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Không chỉ vậy, nếu công chức là nữ, là người dân tộc thiểu số, ngoài những quyền lợi theo quy định thì còn được hưởng các quyền lợi về bình đẳng giới và công tác dân tộc.

Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: "Công chức được cử đi nước ngoài học tập cần lưu ý gì?" Các công chức được cử đi học ở nước ngoài nên xem kỹ và nhớ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Ngoài ra, độc giả có thể xem thêm về chính sách tiền lương đối với viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại bài viết dưới đây:

>> Được cử đi đào tạo, viên chức vẫn hưởng nguyên lương?

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.