1. Chính sách tiền lương mới của hơn 130.000 công chức đang hưởng lương đặc thù
Mặc dù hiện nay vẫn chưa có thông tin cụ thể về khoản lương đặc thù, tuy nhiên nhằm đảm bảo sự chênh lệch phù hợp giữa mức lương trước và sau cải cách, thì rất có thể sau 01/7/2024, những đối tượng bị bãi bỏ khoản lương đặc thù sẽ được hưởng một khoản lương bảo lưu chênh lệch.
Hiện nay, theo Nghị quyết 01/2021/UBTVQH15, việc phân bổ dự toán chi quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể đối với các cơ quan đơn vị, tổ chức đặc thù trung ương được quy định như sau:
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, các cơ quan, đơn vị này phải áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất; bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù.
Theo đó có thể hiểu, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ thống nhất lại chế độ lương, phụ cấp, thu nhập và bãi bỏ cơ chế, chính sách tiền lương và thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế chính sách khoán chi hoặc cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù.
Tuy nhiên, việc bãi bỏ các khoản thu nhập đặc thù, cơ chế, chính sách tiền lương rất có thể sẽ khiến tiền lương mới bao gồm cả phụ cấp của cán bộ, công chức còn thấp hơn so với trước khi cải cách tiền lương.
Vì vậy, theo Cổng thông tin của Bộ Nội vụ, nếu lương cơ bản và phụ cấp sau cải cách tiền lương lại thấp hơn so với trước cải cách thì những đối tượng bị bãi bỏ khoản lương đặc thù sẽ hưởng một khoản lương bảo lưu chênh lệch. Mức bảo lưu sẽ giảm tương ứng với sự điều chỉnh tiền lương mới hàng năm trong những năm tiếp theo.
Nói tóm lại, về cơ bản, mức lương của các cán bộ, công chức, viên chức sẽ được cân nhắc, sắp xếp sao cho sau cải cách tiền lương, việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ đưa ra giải pháp xử lý đối với mức lương của những trường hợp được tuyển dụng trước cải cách tiền lương nhằm đảm bảo sự hợp lý so với mức lương của những người được tuyển dụng sau khi cải cách tiền lương tại các cơ quan, đơn vị hiện đang được hưởng lương đặc thù.
2. 3 đối tượng vẫn tiếp tục được áp dụng phụ cấp đặc thù
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, tới đây phụ cấp đặc thù sẽ chỉ áp dụng cho 03 đối tượng trong lực lượng vũ trang từ 01/7/2024 gồm: quân đội, công an và cơ yếu.
Theo đó, sẽ sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương như sau:
- Tiếp tục áp dụng:
Phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).
- Gộp các loại phụ cấp:
Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm thành phụ cấp theo nghề.
Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút, trợ cấp công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
Hiện nay, theo Điều 2 Thông tư 162/2018/TT-BQP, các đối tượng đang được áp dụng mức phụ cấp đặc thù gồm:
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp biên chế tại Phòng Cảnh vệ thuộc Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, Tổng cục Chính trị.
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định tăng cường làm nhiệm vụ theo các chức danh quy định tại Phòng Cảnh vệ thuộc Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, Tổng cục Chính trị trong thời gian từ 01 tháng trở lên.
- Các tổ chức và cá nhân khác có liên quan.
Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 162/2018/TT-BQP, mức hưởng phụ cấp đặc thù được tính theo công thức như sau:
Mức phụ cấp đặc thù = Hệ số lương cấp bậc quân hàm hoặc loại, nhóm, bậc x Mức tiền lương cơ sở x Tỷ lệ % phụ cấp đặc thù được hưởng
Trong đó, tỷ lệ % phụ cấp đặc thù được hưởng gồm 04 mức: 30%, 25%, 20% và 15% được tính trên mức lương cấp bậc quân hàm đối với sĩ quan hoặc loại, nhóm, bậc đối với quân nhân chuyên nghiệp quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 162/2018/TT-BQP.
3. 5 nội dung chính cần nắm rõ khi thực hiện cải cách tiền lương
Tới đây, theo tinh thần Nghị quyết 27, chính sách cải cách tiền lương sẽ gồm 05 nội dung chính:
- Nội dung 1: Cơ cấu tiền lương sẽ thay đổi thành: Tiền lương mới = Lương cơ bản + phụ cấp + tiền thưởng (nếu có).
- Nội dung 2: Xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thay thế cho bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.
- Nội dung 3: Chỉnh sửa một số các yếu tố trong cách tính lương cũ như:
Bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương, thay vào đó sẽ tính lương bằng các con số được quy định cụ thể trong bảng lương mới.
Mở rộng hệ số tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 lên 1 - 2,68 - 12. Theo đó, mức lương cao nhất của công chức, viên chức với hệ số 12 có thể sẽ cao hơn nhiều so với mức 18 triệu đồng.
- Nội dung 4: Sắp xếp lương mới đảm bảo không được thấp hơn lương hiện hưởng.
- Nội dung 5: Vẫn sẽ tiếp tục tăng lương sau 01/7/2024 nhằm từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương khu vực doanh nghiệp.
Trên đây là giải đáp về vấn đề công chức đang hưởng lương đặc thù sẽ được hưởng chính sách mới nào? LuatVietnam sẽ tiếp tục cập nhật nhanh nhất mọi thông tin liên quan đến cải cách tiền lương từ 01/7/2024.