Công chức không phải tập sự trong trường hợp nào?

Sau khi hoàn thành tập sự, người được tuyển dụng sẽ được bổ nhiệm vào ngạch công chức. Tuy nhiên, có phải trường hợp nào công chức cũng phải tập sự không?


Công chức có bắt buộc tập sự khi được tuyển dụng không?

Điều 40 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định, người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, tại Điều 20 Nghị định 24/2010/NĐ-CP nêu rõ, người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.

Cụ thể, tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 161/2018/Đ-CP, công chức loại C có thời gian tập sự là 12 tháng; công chức loại D có thời gian tập sự là 06 tháng. Đặc biệt, thời gian nghỉ sinh con, nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, nghỉ không lương, bị tạm giam, tạm giữ… không tính vào thời gian tập sự.

Đáng lưu ý, cũng tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 161 này, Chính phủ quy định trường hợp không thực hiện chế độ tập sự khi:

- Đã có thời gian công tác đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật;

- Đã được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự. Lưu ý, nếu thời gian này đứt quãng thì có thể được cộng dồn.

Đây cũng là quy định được nêu tại Điều 12 Thông tư 13/2010/TT-BNV. Cụ thể, người trúng tuyển được miễn tập sự nếu có đủ các điều kiện:

- Đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự;

- Trong thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc nêu trên, người được tuyển dụng đã làm những công việc theo yêu cầu của ngạch công chức được tuyển dụng.

Nếu không có đủ các điều kiện này thì phải thực hiện chế độ tập sự. Và thời gian đã làm công việc theo yêu cầu của ngạch công chức được tuyển dụng (nếu có) sẽ được tính vào thời gian tập sự.

Như vậy, có thể thấy không phải mọi trường hợp công chức được tuyển dụng đều phải thực hiện chế độ tập sự. Nếu đáp ứng 02 điều kiện nêu trên, người được tuyển dụng vào công chức sẽ được miễn tập sự.

Công chức có bắt buộc phải tập sự

Công chức có bắt buộc phải tập sự khi được tuyển dụng không? (Ảnh minh họa)

Sau khi tập sự, công chức có thể không được tuyển dụng

Theo khoản 3 Điều 42 Luật Cán bộ, công chức, sau khi hoàn thành chế độ tập sự sẽ được bổ nhiệm vào ngạch công chức. Và tại Điều 23 Nghị định 24 năm 2010, Chính phủ hướng dẫn cụ thể như sau:

- Khi hết thời gian tập sự, người tập sự phải báo cáo kết quả bằng văn bản. Đồng thời, người hướng dẫn tập sự phải nhận xét, đánh giá kết quả tập sự của người tập sự bằng văn bản và gửi cơ quan sử dụng công chức;

- Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức và kết quả công việc của người tập sự.

Khi đó, nếu người tập sự đạt yêu cầu thì sẽ nhận được quyết định bổ nhiệm và xếp lương. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì bị hủy quyết định tuyển dụng.

Không chỉ vậy, nếu trong quá trình tập sự, người tập sự bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì cũng sẽ bị hủy bỏ quyết định tuyển dụng.

Như vậy, có 02 trường hợp người tập sự không được tuyển dụng là không hoàn thành nhiệm vụ sau thời gian tập sự hoặc kỷ luật từ khiển trách trở lên trong thời gian tập sự. Khi đó, người này sẽ được trợ cấp 01 tháng lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe về nơi cư trú.

Trên đây là quy định về việc công chức có bắt buộc tập sự không? Ngoài ra, độc giả có thể xem thêm các quy định liên quan đến chế độ tập sự của một đối tượng khác là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập tại đây:

>> 5 quy định nổi bật liên quan đến mọi viên chức tập sự

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục