Khi nào công chức bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ?

Để có căn cứ bố trí, đề bạt công chức vào những vị trí đúng theo năng lực, sở trường, hằng năm sẽ tiến hành đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của nhóm đối tượng này.

Căn cứ vào kết quả đánh giá, công chức được phân loại theo 04 mức độ nêu tại Điều 58 Luật Cán bộ, công chức hiện hành:

- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ;

- Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực;

- Không hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc biệt, công chức nào có 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết cho người đó thôi việc (khoản 3 Điều 58 Luật trên).

Tuy nhiên, nếu công chức không hoàn thành nhiệm vụ do yếu tố khách quan, bất khả kháng thì được xem xét trong quá trình đánh giá, phân loại (khoản 5 Mục 1 Hướng dẫn 1326/HD-UBDT của Ủy ban dân tộc).

Theo đó, việc đánh giá công chức căn cứ vào các nội dung như: Nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp, những việc công chức không được làm nêu tại Luật Cán bộ, công chức, Luật Phòng, chống tham nhũng… và những việc khác theo quy định.

Khi nào công chức bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ?

Khi nào công chức bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ? (Ảnh minh họa)
 

Đồng thời, riêng với công chức không hoàn thành nhiệm vụ, Điều 21 Nghị định 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể từng tiêu chí đánh giá như sau:

1/ Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Nếu có một trong các tiêu chí sau đây thì sẽ bị phân loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:

- Bị kỷ luật do không thực hiện hoặc vi phạm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng hoặc pháp luật của Nhà nước;

- Vi phạm kỷ luật, kỷ cương hoặc quy chế làm việc của cơ quan nhưng chưa đến mức bị xử lý kỷ luật ở hình thức cao nhất;

- Không hoàn thành nhiệm vụ tương xứng với chức danh đang giữ;

- Phải khắc phục sai phạm khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

- Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Hoàn thành dưới 70% nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm;

- Có hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực, tham nhũng, tham ô, lãng phí đến mức bị kỷ luật.

2/ Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

- Có các tiêu chí của người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;

- Bị xử lý vì liên quan trực tiếp đến tiêu cực, tham ô, tham nhũng, lãng phí tại nơi mình phụ trách, quản lý;

- Nơi được giao lãnh đạo, quản lý chỉ hoàn thành ở mức dưới 70% nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm;

- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ có sai phạm đến mức phải khắc phục hậu quả;

- Nơi được giao lãnh đạo, quản lý xảy ra mất đoàn kết.

Như vậy, căn cứ vào từng đối tượng công chức, nếu vi phạm một trong những tiêu chí nêu trên trong 02 năm liên tiếp, công chức có thể bị kỷ luật bằng hình thức cao nhất là buộc thôi việc.

>> Vẫn kỷ luật công chức đã nghỉ hưu: Đã hết thời hạ cánh an toàn

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục