Cơ chế chính sách đặc thù tại cơ quan Nhà nước 2024
Song song với việc cải cách tiền lương thì Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 đã đề cập đến cơ chế chính sách đặc thù tại cơ quan nhà nước 2024 theo hai giai đoạn như sau:
Thời gian | Cơ chế chính sách đặc thù tại cơ quan Nhà nước 2024 |
Từ 01/01/2024 - hết 30/6/2024 | - Tiền lương, thu nhập tăng thêm hằng tháng theo cơ chế đặc thù không vượt quá tiền lương, thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương, thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024). - Tiền lương, thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn tiền lương chung thì thực hiện chế độ tiền lương chung để đảm bảo quyền lợi của người lao động. |
Từ 01/7/2024 trở đi | - Bãi bỏ tất cả cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của cơ quan hành chính nhà nước. - Áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Theo đó, bãi bỏ mức lương tính theo hệ số và mức lương cơ sở, thay vào đó là áp dụng chung 05 bảng lương cho công chức, viên chức giữ chức vụ quản lý và theo ngạch công chức/chức danh viên chức nếu không giữ chức vụ quản lý cùng 03 bảng lương dành cho lực lượng vũ trang nhân dân. - Không tiếp tục cơ chế đặc thù với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù gồm các khoản chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn… của cơ quan hành chính Nhà nước. >> Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo vào kỳ họp thứ 8. |
Công chức nào đang được hưởng thu nhập tăng thêm?
Theo tinh thần của Nghị quyết 27, về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, công chức, viên chức sẽ được hưởng thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản thuộc phạm vi quản lý.
Hiện đang thí điểm áp dụng với một số tỉnh, thành phố thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và đảm bảo đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, có thể kể đến:
Tại thành phố Hồ Chí Minh
Cuối năm 2017 (24/11/2017), Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 (hiện đã hết hiệu lực) sau đó đến Nghị quyết số 69/2022/QH15, Quốc hội tiếp tục cho phép TP. Hồ Chí Minh được thực hiện thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức không quá 1,8 lần mức lương theo ngạch, bậc và chức vụ.
TP. Hà Nội
Với thành phố Hà Nội, theo Công văn số 3256/UBND-SNV, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội dự kiến sẽ thực hiện thí điểm thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Thành phố.
Lưu ý: Đây mới là chính sách mà chưa có văn bản áp dụng.
Thành phố Cần Thơ
Quốc hội thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15, cho phép Cần Thơ được chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn, tối đa không quá 0,8 lần mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ và theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.
Thành phố Hải Phòng
Với thành phố Hải Phòng, Quốc hội thông qua Nghị quyết 35/2021/QH15, đồng ý cho thành phố này được thí điểm áp dụng cơ chế đặc thù không quá 0,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ hoặc theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo từ 01/01/2022 - 01/01/2027.
Ngoài ra, công chức tại một số đơn vị được hưởng chính sách thu nhập tăng thêm gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và làm việc thuộc Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân và người thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Được hưởng lương tăng thêm là 0,8 lần mức lương theo Quyết định 19/2022/QĐ-TTg.
- Công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Theo Quyết định số 04/2016/QĐ-TTg ngày 04/02/2016.
- Cán bộ kỹ thuật và lực lượng ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông: Theo Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg ngày 15/5/2020…
Trên đây là thông tin về cơ chế chính sách đặc thù tại cơ quan nhà nước 2024. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ tổng đài của LuatVietnam 19006192 để biết thêm chi tiết.