Chuyên viên cao cấp - họ là ai?
Hiện nay, ngạch công chức gồm chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự và nhân viên (theo Điều 42 Luật Cán bộ công chức năm 2008).
Trong đó, theo Điều 5 Thông tư 11 năm 2014 của Bộ Nội vụ, chuyên viên cao cấp là:
- Công chức hành chính có yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ cao nhất về một hoặc một số lĩnh vực trong cơ quan, tổ chức hành chính từ cấp tỉnh trở lên;
- Có trách nhiệm chủ trì tham mưu, tổng hợp và hoạch định chính sách, chiến lược có tính vĩ mô theo ngành, lĩnh vực hoặc địa phương;
- Tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các chế độ, chính sách…
Đặc biệt, theo quy định tại điểm h khoản 3 Điều 5 Nghị định này, chuyên viên cao cấp là ngạch công chức được bổ nhiệm thông qua kỳ thi nâng ngạch từ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương.
Ngoài ra, chuyên viên cao cấp phải đáp ứng các điều kiện về trình độ đào tạo, bồi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 05/2017/TT-BNV như sau:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;
- Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị - hành chính;
- Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ tương đương bậc 4;
- Có chứng chỉ tin học trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Như vậy, có thể thấy, chuyên viên cao cấp là ngạch công chức có yêu cầu chuyên môn cao nhất và được bổ nhiệm thông qua kỳ thi nâng ngạch.
Công chức là chuyên viên cao cấp có phải tập sự không? (Ảnh minh họa)
Chuyên viên cao cấp không phải tập sự?
Về việc tập sự của công chức, Điều 40 Luật Cán bộ, công chức nêu rõ:
Người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự theo quy định của Chính phủ
Cụ thể, căn cứ Điều 20 Nghị định 24 năm 2010 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 161 năm 2018, tập sự giúp người được tuyển dụng vào công chức tập làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng trong thời gian:
- 12 tháng với người được tuyển dụng vào công chức loại C;
- 06 tháng với người được tuyển dụng vào công chức loại D.
Theo đó, công chức loại C là công chức được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên; công chức loại D là công chức được bổ nhiệm vào ngạch cán sự và ngạch nhân viên (khoản 4 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức 2008).
Từ những phân tích trên, có thể thấy, việc tập sự chỉ áp dụng với công chức ngạch chuyên viên, ngạch cán sự và ngạch nhân viên mà không áp dụng với ngạch chuyên viên cao cấp. Đồng nghĩa, chuyên viên cao cấp sẽ không phải tập sự và được bổ nhiệm thông qua kỳ thi nâng ngạch công chức.
>> Bảng lương mới nhất của chuyên viên Nhà nước năm 2020
Nguyễn Hương