Quy định mới quan trọng với giáo viên áp dụng từ 12/2/2020

Chỉ còn một vài ngày nữa, Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp chính thức có hiệu lực. Giáo viên cần lưu ý những quy định mới nào từ Thông tư này?

Thời gian được chuẩn bị trước: Rút ngắn chỉ còn 2 ngày

Rút ngắn thời gian được thông báo và chuẩn bị trước cho Hội thi dạy giỏi các cấp là điểm mới đầu tiên và đáng chú ý nhất của Thông tư 22. Giáo viên mầm non và các trường phổ thông dự thi trên cả nước cần đặc biệt lưu ý đến thông tin này.

Cụ thể, theo Điều 6, Điều 7 và Điều 8, tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp mầm non; Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp phổ thông và Hội thi giáo viên chủ nhiệm chủ nhiệm lớp giỏi cấp phổ thông, thời gian thông báo và chuẩn bị trước đều chỉ có 02 ngày.

Trong khi trước đây, tại các Thông tư 49/2011/TT-BGDĐT, Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục đều quy định thời gian giáo viên được thông báo và chuẩn bị trước cho Hội thi 01 tuần.

Chính sách quan trọng với giáo viên có hiệu lực từ 12/2/2020

Chính sách mới đối với giáo viên tại Thông tư 22, có hiệu lực từ 12/2/2020 (Ảnh minh họa)


Nội dung thi thay đổi: Giảm nhiều phần thi, thiên về thực tiễn

Ngoài việc rút ngắn thời gian chuẩn bị trước từ 07 ngày xuống còn 02 ngày, Thông tư 22 cũng quy định mới về nội dung thi giáo viên dạy giỏi theo hướng giảm lý thuyết và ưu tiên nhiều hơn cho thực hành, tập trung vào kỹ năng giảng dạy, năng lực thực tế của giáo viên.

- Với Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp mầm non:

  • Giáo viên thực hiện một hoạt động giáo dục cụ thể; hoạt động này được tổ chức lần đầu tại lớp với nguyên trạng số lượng trẻ em của lớp đó. Giáo viên không được dạy thử trước.
  • Trình bày một biện pháp nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, trong vòng 30 phút. Biện pháp này phải được xác nhận là đã được áp dụng hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký thi.

(Trước đây, giáo viên mầm non làm bài thi kiểm tra năng lực và thực hành 01 - 02 hoạt động chơi - tập.

- Với Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp phổ thông:

  • Giáo viên dạy một tiết học cụ thể; tiết dạy này phải được tổ chức lần đầu với nguyên trạng số lượng học sinh. Giáo viên không được dạy thử trước.
  • Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy trong 30 phút. Biện pháp này phải đã được xác nhận là áp dụng hiệu quả và lần đầu dùng để đăng ký dự thi.

(Trước đây, giáo viên làm báo cáo sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng được; Một bài kiểm tra năng lực hiểu biết về kiến thức, kỹ năng sư phạm; Thực hành giảng dạy 02 tiết trong chương trình giảng dạy).

- Với Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp phổ thông:

  • Thực hành một tiết sinh hoạt lớp hoặc hoạt động trải nghiệm. Tiết này phải được tổ chức lần đầu với nguyên trạng số lượng học sinh. Giáo viên không được dạy thử trước.
  • Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp trong 30 phút, đã được xác nhận là áp dụng có hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký dự thi.

(Trước đây giáo viên phải thực hiện 04 phần thi: Thi hồ sơ giáo viên chủ nhiệm; Thi hiểu về chủ trương, định hướng đổi mới giáo dục; Thi ứng xử tình huống sư phạm và Thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm).


Tiêu chuẩn giáo viên tham dự Hội thi cũng được thay đổi

Ngoài ra, giáo viên cũng cần lưu ý, Thông tư 22 quy định khác về tiêu chuẩn giáo viên dự thi so với trước đây. Cụ thể như với Hội thi cấp trường, giáo viên phải đảm bảo đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên.

Trước đây, giáo viên phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn như: Đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên; có thời gian trực tiếp giảng dạy liên tục từ 3 năm trở lên; có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức, quản lý lớp học được học sinh và đồng nghiệp đánh giá cao, được lãnh đạo nhà trường xác nhận…

Như vậy có thể thấy, Thông tư 22 đã có nhiều quy định mới nhằm cải thiện chất lượng của các Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, đưa các Hội thi này trở về thực chất hơn, tránh hình thức như hiện nay.

>> Lương, phụ cấp năm 2020 của giáo viên thay đổi thế nào?

Lan Vũ
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.