Tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP, Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều điểm mới áp dụng với công chức.
- 1. Hiệu trưởng không còn phải bồi dưỡng theo Nghị định 101
- 2. Quy định mới về hình thức bồi dưỡng công chức
- 3. Công chức không cần học bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học
- 4. Giảm thời gian bồi dưỡng cho công chức
- 5. Không yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng khi công chức nâng ngạch
- 6. Yêu cầu mới với người thỉnh giảng bồi dưỡng công chức
1. Hiệu trưởng không còn phải bồi dưỡng theo Nghị định 101
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 101/2017/NĐ-CP, công chức là đối tượng áp dụng của chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức khi làm việc tại:
- Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, huyện, xã.
- Bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 89/2021/NĐ-CP đã sửa đổi theo hướng bỏ đối tượng là công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập là đối tượng áp dụng của chế độ bồi dưỡng, đào tạo tại Nghị định 101.
Đồng nghĩa, Hiệu trưởng không còn là đối tượng áp dụng của Nghị định 101. Theo đó, chỉ có đối tượng công chức trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị, xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và công chức cấp xã phải bồi dưỡng, đào tạo.
Quy định này được sửa đổi để thống nhất với nội dung nêu tại khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức sửa đổi năm 2019. Cụ thể, từ ngày 01/7/2021, Hiệu trưởng (lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập) không còn là công chức.
2. Quy định mới về hình thức bồi dưỡng công chức
Theo quy định cũ tại Điều 15 Nghị định 101, hình thức bồi dưỡng công chức gồm:
- Tập sự.
- Theo tiêu chuẩn ngạch công chức.
- Trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý.
- Theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng chuyên ngành bắt buộc hàng năm. Trong đó, thời gian tối thiểu phải thực hiện là 01 tuần/năm và một tuần được tính bằng 05 ngày học, mỗi ngày học 08 tiết.
Tuy nhiên, theo quy định mới tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 89, hình thức bồi dưỡng gồm:
- Theo tiêu chuẩn ngạch công chức.
- Theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý.
- Theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh công chức cấp xã.
- Theo yêu cầu vị trí việc làm.
Như vậy, có thể thấy, từ ngày 10/12/2021 - ngày Nghị định 89 có hiệu lực, hình thức bồi dưỡng đã thay đổi đáng kể, không còn bồi dưỡng tập sự, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hằng năm mà thay vào đó là bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, chức vụ công chức cấp xã.
3. Công chức không cần học bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học
Ngoài sửa đổi hình thức bồi dưỡng thì Nghị định 89 còn sửa đổi nội dung bồi dưỡng, đào tạo. Theo đó, so với quy định cũ tại Điều 16 Nghị định 101, 04 nội dung bồi dưỡng theo quy định mới là:
- Lý luận chính trị (như quy định cũ).
- Kiến thức quốc phòng và an ninh (như quy định cũ).
- Kiến thức, kỹ năng quản lý Nhà nước (như quy định cũ).
- Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm (quy định cũ đang là kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ và nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế).
Như vậy, so với quy định cũ, công chức từ ngày 10/12/2021 không cần bồi dưỡng, đào tạo tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.
4. Giảm thời gian bồi dưỡng cho công chức
Chương trình, tài liệu bồi dưỡng công chức hiện được quy định tại Điều 17 Nghị định 101 và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 89 như sau:
STT | Nghị định 101 | Nghị định 89 |
1 | Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý Nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức | |
Thời gian từ 06 - 08 tuần, gồm: Chương trình, tài liệu bồi dưỡng ngạch cán sự; chuyên viên; chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp và tương đương. | - Bồi dưỡng công chức chuyên viên: Tối đa 04 tuần. - Bồi dưỡng công chức chuyên viên chính: Tối đa 06 tuần. - Bồi dưỡng công chức chuyên viên cao cấp: Tối đa 08 tuần. | |
2 | Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm | |
- Bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước trước khi bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp huyện, cấp sở, Thứ trưởng: Tối thiểu 02 tuần, tối đa 04 tuần. - Lãnh đạo, quản lý cấp xã: Tối thiểu 02 tuần; tổi đa 04 tuần. - Theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành: Tối đa 01 tuần. | - Bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp huyện, cấp sở: Tối đa 02 tuần. - Bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ: Tối đa 01 tuần. - Bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh, chức vụ công chức cấp xã: Tối đa 01 tuần. |
5. Không yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng khi công chức nâng ngạch
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 89/2021. Theo đó, Nghị định 89 bỏ những quy định sau đây:
- Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức là một trong những điều kiện để công chức đăng ký dự thi nâng ngạch, xét bổ nhiệm vào ngạch.
Theo quy định hiện nay tại Điều 30 Nghị định 138/2020 và khoản 9 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, điều kiện nâng ngạch công chức cũng chỉ cần có các điều kiện sau:
+ Thi nâng ngạch: Xếp loại chất lượng mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, không bị kỷ luật, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhiệm vị trí việc làm của ngạch cao hơn, có chứng chỉ, văn bản tiêu chuẩn chuyên môn của ngạch dự thi nâng ngạch…
+ Xét nâng ngạch: Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ khi giữ ngạch hiện giữ, được bổ nhiệm giữ chức lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu vị trí việc làm…
Do đó, hiện nay, không có yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức để nâng ngạch nên việc Nghị định 89 bỏ yêu cầu này đã thống nhất giữa các văn bản luật liên quan.
- Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức có giá trị thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng.
- Chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức trong năm.
6. Yêu cầu mới với người thỉnh giảng bồi dưỡng công chức
Giảng viên đào tạo, bồi dưỡng công chức gồm giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, người được mời thỉnh giảng.
Trong đó, người được mời thỉnh giảng là công dân Việt Nam theo quy định hiện nay tại điểm a khoản 1 Điều 35 Nghị định 101 phải đáp ứng các điều kiện:
- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
- Phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức lối sống lành mạnh;
- Đạt chuẩn về trình độ đào tạo chuyên môn;
- Có trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, tin học, ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao;
- Đủ sức khỏe;
- Lý lịch bản thân rõ ràng, đáp ứng yêu cầu về chính trị.
Tuy nhiên, theo quy định mới tại khoản 11 Điều 1 Nghị định 89/2021, yêu cầu có trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, tin học, ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao đã được thay thế bằng có trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước đáp ứng yêu cầu.
Trên đây là một số chính sách mới về công chức từ 10/12/2021. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.